Viết tiếp vụ Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi 'treo' 15 năm: Cần sớm có quan điểm, hướng giải quyết rõ ràng
Cần có đánh giá toàn diện, khách quan về Dự án trên quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đầu tư, quy hoạch, để Dự án sớm thoát cảnh đình trệ hàng thập kỷ qua.
Cơ quan chức năng cần đánh giá Dự án toàn diện, khách quan, công tâm, trên tinh thần xây dựng, theo quan điểm phát triển của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đầu tư, quy hoạch
Như Báo Đầu tư đã thông tin trong nhiều số báo trước đây, Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi tại địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội (gọi tắt là Dự án), do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhân lực (Ladeco) thực hiện đã bị “treo” từ năm 2006 - khi còn thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây, cho đến nay.
Bên cạnh những biến động khách quan (do tỉnh Hà Tây sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính vào Thủ đô Hà Nội, phải rà soát lại các dự án phù hợp quy hoạch vùng Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch…), Dự án còn bị vướng bởi một số văn bản, đề xuất từ cơ quan chức năng.
Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là việc tách 20 ha đất với các chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, cây xanh... khỏi tổng thể 34 ha Khu giáo dục Nguyễn Trãi.
Như đã phân tích ở các bài viết trước, đây là một đề xuất trái thẩm quyền; trái với chấp thuận của Chính phủ tại Văn bản 5930/VPCP-KTN ngày 23/8/2010; không dựa trên cơ sở tư vấn, tham mưu của các cơ quan chức năng Thành phố. Quan trọng hơn, cho đến nay, đề xuất này không nhận được ý kiến nhất trí hay chỉ đạo thực hiện của Thường trực Thành ủy Hà Nội, vì vậy, đây hoàn toàn vẫn chỉ dừng lại là một đề xuất.
Do đó, không thể dựa trên một đề xuất chưa được phê duyệt để tiến hành các bước tiếp theo, nhằm giải quyết vụ việc, bởi chính đề xuất này là một trong những nguyên nhân khiến Dự án bị đình trệ suốt nhiều năm, với bao sự lãng phí về cơ hội đầu tư, tiền của, công sức của doanh nghiệp khi đã tiến hành rất nhiều thủ tục, nhiều bước trong hàng chục năm qua.
Nếu vẫn tiếp tục dựa trên đề xuất không có cơ sở và chưa được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt làm căn cứ, định hướng để giải quyết vụ việc, thì sự việc có thể phát sinh thêm hệ lụy về nhiều mặt, ngày càng phức tạp, khó khắc phục, chứ chưa nói đến việc có thể xảy ra tình trạng chọn một phương án sai mới để khắc phục cái sai cũ, dẫn đến sai chồng sai.
Theo chủ đầu tư, đến nay, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 5930/VPCP-KTN ngày 23/8/2010 là văn bản có tính pháp lý cao nhất, đúng thẩm quyền, vẫn đang có hiệu lực thi hành. Do Dự án khởi động từ năm 2005, khi đó chưa có quy định cụ thể về chủ trương đầu tư, nên chiểu theo quy định tại khoản 3, Điều 59, Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014, thì chấp thuận của Thủ tướng tại Thông báo 5930/VPCP-KTN chính là quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền của Thủ tướng đối với Dự án.
Bên cạnh đó, sau khi đề xuất giao 20 ha đất thuộc Dự án cho UBND quận Hà Đông và không được Thường trực Thành ủy Hà Nội chấp thuận, UBND Thành phố tiếp tục đề xuất chuyển 20 ha này làm quỹ đất đối ứng dự án BT, song cũng đã phải dừng lại theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020. Như vậy, xét về thực tế, Ladeco vẫn là chủ đầu tư hợp pháp theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đến nay, Dự án vẫn hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S4 đã được phê duyệt. Công ty Ladeco vẫn đang quản lý 34 ha đất dự án.
Trước quan điểm đó của doanh nghiệp, thiết nghĩ, trước hết, cơ quan chức năng cần có sự đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ quá trình triển khai dự án một cách toàn diện, khách quan, công tâm, trên tinh thần xây dựng, trên cơ sở quan điểm phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng, quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung. Từ đó, xác định rõ đâu là ảnh hưởng khách quan, đâu là trách nhiệm chủ quan, để có hướng giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, về quan điểm, Dự án có quán triệt, nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển Thủ đô được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII (tháng 10/2020 vừa qua) nêu về xây dựng Thủ đô theo hướng xanh, thông minh, hiện đại hay không? Dự án có quán triệt, hiện thực hóa quan điểm phát triển nhất quán của Đảng, Nhà nước về ưu tiên cho đầu tư phát triển giáo dục, coi giáo dục là “quốc sách” hàng đầu hay không?
Về thực tiễn, Dự án có thực hiện đúng các chấp thuận, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tây (trước kia), UBND TP. Hà Nội năm 2010 hay không? Có phù hợp quy hoạch hay không?
Cũng cần làm rõ, trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư có vi phạm về quy trình, thủ tục, có gây những hệ lụy về môi trường, xã hội… hay không? Nếu có, cần đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, yêu cầu khắc phục kịp thời.
Thủ đô Hà Nội và cả nước đang bước sang trang mới, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng TP. Hà Nội lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với rất nhiều kỳ vọng vào tính liêm chính, tinh thần hành động của bộ máy.
Mới đây nhất, ngày 15/4, trong phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải khẩn trương xử lý, giải quyết ngay công việc, đảm bảo liên tục, thông suốt; tiếp tục kế thừa, tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao và liêm chính, dân chủ; đặc biệt, Thủ tướng đã nhấn mạnh phải “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, đảm bảo để mọi người dân, doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thiết nghĩ, việc một dự án đầu tư cho giáo dục ở giữa Thủ đô, mang tính nhân văn như Dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi đã bị đình trệ hàng chục năm qua, nay được xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý, khách quan, công tâm đến đâu, sẽ minh chứng cho hiệu lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trên.
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về số phận của dự án này.