Việt Trì 60 năm trước trong ký ức người dân

Thành phố Việt Trì trong ký ức người dân vừa hiền hòa lại năng động, một thành phố đặc biệt vừa là 'chiếc nôi' của nền công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN, vừa là nơi phát tích khởi nguồn của những giá trị truyền thống tốt đẹp còn được lưu giữ cho tới hôm nay.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng Khu Công nghiệp Việt Trì ngày 13/4/1959

Ngược dòng thời gian về cách đây 60 năm, ông Nguyễn Huy Mai (phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) khi ấy là thanh niên gần ba mươi tuổi. Cả cuộc đời gắn bó với thành phố, quen từng con đường, ngõ phố, ông Mai không giấu nổi xúc động khi nhớ lại không khí lao động hăng say ở thành phố được mệnh danh là thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN. Ông kể lại: Khu công nghiệp Việt Trì ra đời năm 1962 với một loạt các nhà máy điện, giấy, hóa chất, đường, mỳ chính… là thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng CNXH miền Bắc lúc bấy giờ. Đây là điều kiện tất yếu để sau đó thành phố Việt Trì được thành lập vào ngày 4/6/1962, bắt đầu nhịp sống sôi động với các công xưởng, nhà máy.

Thành phố việt Trì với cảnh quan xanh, sạch, đẹp

Nhịp sống công nghiệp chính là “hơi thở” của thành phố, từng người dân Việt Trì khi ấy đều sống với lý tưởng như Bác Hồ đã nói khi người về thăm thành phố năm 1959: ‘Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô, dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả đất nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ, các cô, các chú có thấy vinh dự không nào?”

Đối với ông Mai, được sống và cống hiến trong thời kỳ lịch sử đó là một niềm tự hào không thể nào quên. Còn đối với ông Đinh Công Tài – 70 tuổi (phường Minh Phương, TP Việt Trì) thì Việt Trì lại là thành phố thơ mộng và giàu giá trị truyền thống. Tuy sinh ra và lớn lên ở huyện Cẩm Khê nhưng ông Tài chủ yếu gắn bó với Việt Trì những năm tháng lập nghiệp sau này. Ông kể lại: Việt Trì là thành phố ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà, sông Lô. Từ xưa đến nay mỗi thành phố ven sông đều tập trung dân cư đông đúc và có nền văn hóa cổ truyền đặc sắc – Việt Trì cũng như vậy. Trong ký ức của tôi, ngã ba Hạc và ánh điện sáng trên cầu Việt Trì là những hình ảnh đáng nhớ, là khởi nguồn cho nhiều câu hát, lời thơ đẹp về Việt Trì.

Truyền dạy hát Xoan cho các thế hệ kế cận tại xã Kim Đức, TP Việt Trì

Không chỉ là thành phố năng động, trữ tình – Việt Trì còn là “cái nôi” của nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hai trong số nhiều di sản văn hóa truyền thống được thực hành tại Việt Trì hiện nay. Ông trùm phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức, TP Việt Trì) Nguyễn Xuân Hội năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những đêm cầm đèn dầu lội ruộng cùng cha mẹ, làng xóm để tới đình hát Xoan. Ông chia sẻ: Những làn điệu Xoan cổ từ xa xưa đến nay vẫn được nghệ nhân các phường Xoan gìn giữ và truyền dạy cho lớp nghệ nhân kế cận. Đối với chúng tôi, hát Xoan không chỉ là một hình thức trình diễn dân gian mà còn là một thói quen, một tình yêu đã ăn sâu vào máu thịt. Đây là “kho báu” mà cha ông truyền lại và mỗi người dân ở đây đều ý thức rằng mình có trách nhiệm phải giữ gìn.

Không gian công viên Văn Lang trong lòng thành phố

Một Việt Trì năng động, hăng say với lý tưởng xây dựng nền công nghiệp non trẻ miền Bắc XHCN những năm đầu thập niên 60, một Việt Trì nên thơ và giàu chất trữ tình, một Việt Trì giàu bản sắc văn hóa truyền thống – qua 60 năm thay đổi càng thêm tươi đẹp, trù phú, hiện đại. Trong ký ức những người dân đã gắn bó, chứng kiến sự đổi thay của thành phố suốt 6 thập kỉ qua, Việt Trì luôn là thành phố đáng sống, đáng tin tưởng và cống hiến dựng xây. Với những người con của thành phố hôm nay, sự kết nối với mảnh đất này càng thêm chặt chẽ, hứa hẹn những đổi thay mới, thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và phát triển Việt Trì tương lai.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/viet-tri-60-nam-truoc-trong-ky-uc-nguoi-dan/184646.htm