Viết trong đêm mất điện

Dưới ánh đèn sạc khá hắt hiu, tôi phải lần mò để viết bài, ngay khi bão vừa đi qua Quảng Ngãi. Bão số 9 mạnh thế nào, hung dữ thế nào thì ai cũng đã biết. Có điều, ít người ở ngoài tỉnh Quảng Ngãi biết, là đường đi của cơn bão này khi vào đất liền lại khá lắt léo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác khắc phục hệ thống lưới điện vào sáng 31-10. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác khắc phục hệ thống lưới điện vào sáng 31-10. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Dưới ánh đèn sạc khá hắt hiu, tôi phải lần mò để viết bài, ngay khi bão vừa đi qua Quảng Ngãi. Bão số 9 mạnh thế nào, hung dữ thế nào thì ai cũng đã biết. Có điều, ít người ở ngoài tỉnh Quảng Ngãi biết, là đường đi của cơn bão này khi vào đất liền lại khá lắt léo.

Khi tỉnh Quảng Ngãi nhận được tin báo bão, chính quyền tỉnh đã rất chủ động ứng phó. 97 nghìn người dân đã được di dời cấp tốc trước 20 giờ ngày 27-10. Toàn bộ lực lượng chống bão Quảng Ngãi đã được triển khai. Tâm bão vào Bình Sơn cũng đã được dự báo từ các đài khí tượng. Nhưng hóa ra, vào sáng 28-10, bão đã đổ bộ vào huyện Đức Phổ (địa phương phía nam tỉnh) sau khi càn quét qua đảo Lý Sơn với sức gió cấp 11.

Từ Đức Phổ, sau khi đã “quậy tưng” vùng đất này khiến mấy trăm ngôi nhà tốc mái và sập đổ, bão số 9 lại “chơi ngang” đi ngược ra Mộ Đức, TP Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, rồi mới tới Bình Sơn. Sau đó, bão ngược lên Trà Bồng và tìm tới Kon Tum. Với đường đi khá lắt léo, với phổ tàn phá quá rộng như thế, gần như cả tỉnh Quảng Ngãi đã phải lãnh đủ cơn bão lớn này. Nhưng do chính quyền chủ động ứng phó, nhân dân tuân thủ kỷ luật phòng chống bão, nên điều đáng mừng là Quảng Ngãi đã không có người bị chết vì bão..

Dù sự nguy hiểm của cơn bão thì không hề nhẹ nhàng. Ở đảo Lý Sơn, khi bão vào trong đêm, hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, bị bay mái. Có ngôi nhà bị đổ, người nhà đã kịp chui vào… tủ đứng “trốn bão”, và đã được cứu thoát an toàn. Tại TP Quảng Ngãi, lúc cao điểm bão, đã có tới bảy tấm tôn lợp mái từ một cơ quan tỉnh bay lượn như dù lượn, một tấm bay qua dãy nhà hai tầng đối diện nhà tôi, và nhẹ nhàng đậu xuống trước nhà. May quá, người dân Quảng Ngãi không ai ra đường hay ra ngõ vào lúc ấy, nếu không, chưa biết điều gì xảy ra.

Quân đội đã phải dùng tới xe bọc thép đưa một người bệnh cấp cứu đi bệnh viện ngay giữa cơn bão. Đó cũng là một điểm sáng.

Thực tình, tôi nghĩ thiệt hại của Quảng Ngãi sau cơn bão cực lớn này là rất nặng nề. May sao, sự phối hợp hết sức ăn ý giữa nhân dân và chính quyền đã làm giảm thiểu thiệt hại, nhất là không có thiệt hại nhân mạng.

Giữa cơn bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã tới tận những nơi bão có khả năng gây thiệt hại, và những chỉ đạo kịp thời đã giúp cho địa phương vững lòng chống bão hiệu quả. Ở bất cứ đâu, giữa bão to hay lũ dữ, nếu chính quyền biết vì dân, biết lo cho tính mạng và tài sản của dân, thì ở đó, thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Ngược lại, thiệt hại cả người và của sẽ không tính hết được.

Qua kinh nghiệm chống bão lũ của bắc miền trung vừa qua, Quảng Ngãi đã kịp thời thành lập những đội xung kích chống bão, đi sát từng hộ dân, theo phương án “đi từng ngõ gõ từng nhà” để không ai bị bỏ lại, không ai bị quên lãng trong tai họa.

Bây giờ, là những công việc rất nặng nề sau bão. Tỉnh Quảng Ngãi đã hết sức lo cho dân khôi phục lại nhà cửa bị tốc mái hay sập đổ trong bão, kể cả ra văn bản yêu cầu các đại lý bán tôn hay ngói lợp không được tăng giá, vì số lượng nhà cần tu bổ là rất lớn, người dân Quảng Ngãi lại còn nghèo.

Dựng lại nhà, lợp lại mái những ngôi nhà bị hư hỏng là việc cần làm đầu tiên ở Quảng Ngãi. Vì vậy, rất cần nhân lực cho những công việc hết sức cụ thể này. Cây ngã, gãy đổ khắp nơi cần được dọn dẹp, cho thông đường giao thông và đường cấp điện, cho viễn thông, cho môi trường không rác bẩn.

Các lực lượng quân đội, công an Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương giúp dân dựng lại nhà, lợp các mái nhà bị trốc do bão. Lực lượng công nhân chuyên nghiệp thuộc EVN miền trung cũng được tăng cường cho Quảng Ngãi để giúp điện lực Quảng Ngãi khắc phục các sự cố điện, nhằm cung cấp điện cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Những lực lượng xung kích thuộc Nhà nước quản lý đã sẵn sàng, nhưng rất cần thành lập những lực lượng thanh niên xung kích tình nguyện giúp dân. Quảng Ngãi có ba trường đại học và nhiều trường cao đẳng nghề, nên cần thiết phải thành lập các lực lượng thanh niên xung kích, bây giờ có quá nhiều việc “cần làm ngay” giúp dân ổn định lại cuộc sống.

Các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trong tỉnh đã cam kết không tăng giá vật liệu, từ tôn tới ngói lợp nhà cùng những vật liệu thiết yếu khác, cam kết vận chuyển miễn phí vật liệu về tận nhà dân đang cần. Tỉnh cần yêu cầu các doanh nghiệp giữ vững cam kết đó.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong tỉnh quyên góp giúp dân bị nạn trong bão, đó là việc làm ngay trước khi các nhà tài trợ, các đoàn cứu trợ kịp đến Quảng Ngãi. Các địa phương trong tỉnh phải thống kê chính xác và minh bạch các ngôi nhà bị hư hại mà chủ nhà thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách, để những trợ giúp nhân ái đến đúng địa chỉ

Hy vọng những tấm lòng hảo tâm từ cả nước sẽ về với Quảng Ngãi, mang những tình nghĩa sẻ chia cùng đồng bào đang vật lộn nhằm khôi phục lại nhà cửa và phương tiện làm ăn. “Còn người là còn của”, nhưng ở đây, người còn mà của mất, cho nên mọi sự giúp đỡ, mọi nghĩa cử nhân ái đều vô cùng đáng quý.

Nhà thơ THANH THẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/viet-trong-dem-mat-dien-622714/