'Viết tuồng với tôi là định mệnh'

Lê Công Phượng vào đất tuồng Bình Định nghiên cứu nghệ thuật tuồng gần 10 năm, nhưng chính thức bắt tay vào viết kịch bản thì mới được khoảng 3 năm.

Kịch bản 'Phượng Hoàng Trung Đô' của tác giả Lê Công Phượng được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa dàn dựng và giành Huy chương Đồng tại Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022. Ảnh: NVCC.

Kịch bản 'Phượng Hoàng Trung Đô' của tác giả Lê Công Phượng được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa dàn dựng và giành Huy chương Đồng tại Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022. Ảnh: NVCC.

Là trai xứ Bắc (Hưng Yên) song Lê Công Phượng vào đất tuồng Bình Định lập nghiệp, nghiên cứu nghệ thuật tuồng gần 10 năm nhưng chính thức bắt tay vào viết kịch bản thì mới được khoảng 3 năm. Thế mà, nhiều tác phẩm của tác giả trẻ này được thế hệ đi trước ghi nhận, động viên, khuyến khích và kỳ vọng.

“Cơ duyên đầu tiên là nhờ thầy tôi - cố nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Gia Thiện. Ông từng nói với tôi rằng: “Phượng! Con có tố chất sáng tác, văn chương cũng khá nên theo viết kịch bản tuồng đi. Thầy tin con sẽ thành công!”.

Vậy là tôi nghe lời ông bắt đầu tìm hiểu và cố công theo nghiệp viết tuồng. Hệ thống lại những sự kiện xảy ra trên đường đời mà mình đã trải qua, tôi xác định hình như nghiệp viết tuồng với tôi là định mệnh. Tổ nghiệp đã chọn tôi! Đó là may mắn, hạnh phúc của tôi”, tác giả Lê Công Phượng trò chuyện.

Dấn thân bước tiếp

Với tác giả Lê Công Phượng, viết kịch bản về đề tài lịch sử chắc tay thì không bao giờ là mô tả lịch sử đơn thuần. Ảnh: NVCC.

Với tác giả Lê Công Phượng, viết kịch bản về đề tài lịch sử chắc tay thì không bao giờ là mô tả lịch sử đơn thuần. Ảnh: NVCC.

- Tiếp tục “ẵm” Giải thưởng Sân khấu với kịch bản “Ngàn năm vang vọng” anh có cảm xúc như thế nào?

Tôi nghĩ, mình đến với sân khấu dân tộc bằng việc viết kịch bản tuồng là một thiên duyên, và chữ duyên ấy cũng chỉ mới đây thôi! Về tuổi đời (40) và tuổi nghề nữa - so với các bác, các chú và anh chị em cùng cầm bút là quá trẻ.

Vậy nên, những thành quả đạt được trong thời gian qua như từ những giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Giải Khuyến khích năm 2019 cho kịch bản “Nữ tướng Lê Chân”, giải B năm 2020 cho kịch bản “Giữ nước” rồi giải C năm 2022 cho kịch bản “Ngàn năm vang vọng” cũng như Huy chương Đồng vở diễn “Phượng Hoàng Trung Đô” tại Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022 và một số kịch bản được các nhà hát dàn dựng, với tôi, vô cùng ý nghĩa. Nó khẳng định con đường tôi đang đi là đúng.

Niềm đam mê sân khấu tuồng và những nỗ lực học tập, làm việc bấy lâu nay đã chớm bắt đầu đưa tôi tiếp cận được đến cái hay cái đẹp của sân khấu dân tộc - tinh hoa văn hóa truyền thống cha ông. Và tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để dấn thân bước tiếp…

- Điều anh tâm đắc nhất với “Ngàn năm vang vọng” là gì?

Tôi yêu trang sử hào hùng của dân tộc, vì vậy nên cứ đọc, tìm hiểu. Trong quá trình mầy mò ấy, tôi thấy đoạn kết của cuộc đời người anh hùng Dương Đình Nghệ để lại cho mình nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Cứ theo dòng cảm xúc ấy, tôi viết thành lời của nhân vật Dương Đình Nghệ đối đáp lại với sự bỉ ổi của Kiều Công Tiễn trong kịch bản, trong đó có đoạn:

Kiều Công Tiễn:

(Quân! Truyền lệnh ta)

Lôi hắn lên thành cao cắt cổ

Và bài binh cố thủ Đại La

Dương Đình Nghệ:

(Buông ra! Để ta tự đi)

Ta rồi sẽ lưu danh sử sách

Chí anh hùng yêu nước

thương dân

(Thật tiếc thay ta đây)

Cũng chỉ là mắt thịt

người trần

Chẳng thể thấu tâm

quân dã thú

(Nhưng ta tin)

Nỗi đau này sẽ ngàn năm

không cũ

(Nó là bài học)

Để ngàn đời gìn giữ non sông!

(Kiều Công Tiễn! Dẫu cho ngươi!)

Chặt đầu ta bêu trước

cổng thành

(Thời tấm lòng nhân nghĩa và khát khao về nền tự chủ cho dân tộc trong trái tim này)

Sẽ lưu dấu sử xanh mãi mãi…!

Quả thật, nhân cách cao cả và tấm lòng khát khao cống hiến cho nền độc lập, tự chủ của Dương Đình Nghệ là một tấm gương sáng cho muôn đời. Tuy nhiên, thật tiếc thay: Giết giặc ngoài sa trường đã khó, nhưng xem ra vẫn còn dễ hơn những tên giặc ngay bên cạnh mình.

Vì giặc bên cạnh mình thì thật giả khó phân, nhận ra không dễ. Chính điều ấy đã dẫn đến kết cục bi thảm của cuộc đời Dương Đình Nghệ, cũng như của triều đại họ Dương và cả vận mệnh của non sông đất nước. Đó là một bài học lịch sử vang vọng đến ngàn đời hậu thế. Đây chính là thông điệp mà kịch bản của tôi khai thác từ lịch sử dân tộc!

- Với anh, Giải thưởng Sân khấu hằng năm của Hội có ý nghĩa như thế nào đối với người sáng tác, nhất là với các tác giả trẻ?

Giải thưởng hằng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là giải thưởng tầm quốc gia của một hội nghề nghiệp chuyên ngành uy tín của cả nước, với hội đồng thẩm định tác phẩm nghệ thuật có chuyên môn cao.

Vậy nên, việc đạt được giải thưởng này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các tác giả chúng tôi. Đó là nguồn động viên to lớn để chúng tôi tiếp tục sáng tạo. Đặc biệt đối với tác giả trẻ, giải thưởng còn có ý nghĩa như một sự khẳng định về mặt định hướng chuyên môn nghề nghiệp.

- Từ “bà đỡ” mát tay này, được biết kịch bản văn học của anh khá “đắt hàng”?

Đúng vậy! Cũng nhờ có sự quan tâm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong việc mở trại sáng tác kịch bản, tổ chức xét giải thưởng hằng năm, tổ chức các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi… mà tôi đã có được môi trường làm việc bổ ích; được trao đổi, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ năng lực, đặc biệt là việc trải qua sự thẩm định khắt khe về mặt chuyên môn qua các kỳ xét giải thưởng… đã giúp tôi có được những tác phẩm tốt.

Cũng nhờ đó mà kịch bản của tôi có được sự quan tâm, đồng cảm, yêu thích của các nghệ sĩ lớn của nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống trên cả nước. Đây là niềm hạnh phúc lớn của tôi! Tôi rất biết ơn về điều này.

“Để thỏa chí tang bồng!”

Kịch bản 'Nữ tướng Lê Chân' của tác giả Lê Công Phượng được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng năm 2022. Ảnh: Bình Thanh

Kịch bản 'Nữ tướng Lê Chân' của tác giả Lê Công Phượng được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng năm 2022. Ảnh: Bình Thanh

- Vì sao anh lại chọn công việc viết kịch bản cho kịch hát dân tộc - vùng đất bao la (vì đến nay gần như không còn ai viết), vốn rất khó khai phá (văn phong, ý tưởng, hợp thời…) mà chưa bao giờ giàu có (hình như), nhất là với nghệ thuật tuồng?

Tôi học Khoa Ngữ văn, khóa 26 (2003 - 2007), Trường Đại học Quy Nhơn. Thời đi học, tôi thích văn học Trung đại, đặc biệt thích các thi nhân: Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Có duyên về công tác với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tôi thấy những giá trị văn hóa truyền thống trong tuồng, văn phong của tuồng… hợp với gu hoài cổ của mình! Vậy nên tôi yêu tuồng và viết tuồng!

- Dấn thân vào công việc này đã khi nào anh thấy nản?

Tôi chưa thấy nản bao giờ! Vì tôi nghĩ: “Chẳng có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Mình đam mê, cố công tìm hiểu là sẽ được!

- Với anh, viết chỉ để thỏa lòng đam mê vốn cổ mà không cần quan tâm nhiều đến việc “bán hàng”, hay cùng với viết từ đam mê thì còn cần lắm việc nỗ lực kết nối, giới thiệu để đưa những đứa con tinh thần của mình lên sàn diễn đến với công chúng?

Tôi nghĩ, việc viết tuồng là để “thỏa chí tang bồng” là chính. Tuy vậy, theo quy luật tất yếu của cuộc sống, người cầm bút chúng tôi cũng phải có những khoản thu nhập nhất định để tiếp tục sống và lao động nghệ thuật.

Đối với nhuận bút tác phẩm, việc lấy giá trị kinh tế để cân, đo, đong, đếm giá trị của tác phẩm nghệ thuật là rất khó. Làm nghệ thuật đối với tôi là sự thuần khiết, thanh tao nên tác phẩm đến với công chúng cũng phải theo cách thanh cao, tao nhã nhất… Tôi không coi việc kịch bản của mình đến với sàn diễn của các nhà hát là “bán hàng”.

Đó chỉ là sự tương đồng về cảm thức nghệ thuật. Các nghệ sĩ tìm hiểu tác phẩm của tôi, họ thấy trái tim mình rung động, họ đồng cảm với tôi qua tác phẩm và chúng tôi cùng đưa kịch bản lên sàn, tiếp tục sáng tạo để hoàn thiện nó hơn trên sân khấu và đưa nó đến với khán giả!

Bởi vậy, những kịch bản của tôi lên sân khấu hoàn toàn là sự tình cờ. Các anh, chị nghệ sĩ từ các nhà hát nghe tôi viết kịch bản tuồng nên liên lạc và kết nối. Họ nói tôi gửi kịch bản để họ đọc thử.

Tôi học tiền nhân, gửi tặng các anh chị ấy để họ đọc và có gì hay, dở thì anh em đàm luận. Giống như các thi nhân xưa tặng nhau một bài thơ! Tâm thế cũng chỉ có vậy thôi! Và cuối cùng tác phẩm của tôi lên sàn. Cứ tình cờ như vậy! Có lẽ, các cô, chú, anh, chị ấy đồng cảm cùng tâm hồn tôi qua tác phẩm của tôi!?

- Về câu chuyện (hình như) chưa bao giờ giàu có, có lẽ tôi khá chủ quan theo góc nhìn ngày trước chứ giờ các đơn vị nghệ thuật luôn kêu thiếu kịch bản, nhất là vào các kỳ cuộc hội diễn, biên kịch “cày” ngày đêm theo đơn đặt hàng, phải không anh?

Cày ngày đêm thì thực là chưa đúng. Nhưng tôi nhớ đến câu chuyện trả lời phỏng vấn báo chí của tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước Nguyễn Sĩ Chức - đối với tôi ông là một người thầy lớn.

Câu chuyện rằng: Năm 2014, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Thanh Hóa, cả chuyển thể lẫn sáng tác mới với hai loại hình tuồng và dân ca kịch bài chòi, chú Sỹ Chức tham gia là 7 vở.

Khi phóng viên đến phỏng vấn và chúc mừng chú đạt nhiều giải thưởng cao, chú ngậm ngùi trả lời rằng: “Thực xin lỗi! Chị ơi, đây là nỗi buồn của tôi chứ mừng cái nỗi gì! Một hội diễn mà tôi tham gia đến 7 vở thì chứng tỏ là chẳng có người viết tuồng! Tôi thì đã lớn tuổi, nói chứ rủi ra nếu mai đây tôi tai biến nằm ra đó, lấy ai viết tuồng nữa!”.

Giờ có thêm tôi, và tôi cũng chung nỗi niềm ấy với chú! Tôi mong ngành tuồng có thêm người viết! Nước chảy xuôi, để tiếp tục có người giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà biết bao thế hệ tiền hiền đã dày công vun đắp.

- Xem vở tuồng “Nữ tướng Lê Chân” Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng từ kịch bản của anh, tôi thích cái tứ: Niềm kiêu hãnh và quyết không hòa tan bản sắc văn hóa của dân tộc Việt được tác giả khai thác khéo léo, sâu sắc và đầy dụng công. Phải chăng, đây là hướng đi của anh khi tiếp cận lịch sử cha ông?

Vâng! Tôi khao khát dùng nghệ thuật tuồng để truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp mà cha ông ta đã dày công vun đắp, đưa những giá trị trân quý ấy đến với khán giả trẻ ngày hôm nay.

- Viết về đề tài lịch sử, anh có những lưu tâm gì để câu chuyên mình kể không bị xưa cũ mà vẫn mang hơi thở cuộc sống hôm nay?

Viết kịch bản về đề tài lịch sử chắc tay thì không bao giờ là mô tả lịch sử đơn thuần. Việc lấy những giá trị quý báu của lịch sử, những bài học đắt giá của ngàn năm để cho khán giả hôm nay soi mình vào mà thanh lọc tâm hồn.

Phương châm ấy không thể cũ được! Ngôn ngữ văn học nghệ thuật luôn phong phú, đa dạng, muôn màu, tầng tầng, lớp lớp những ý tứ sâu xa. Việc cảm nhận ấy với mỗi người cũng có nhiều thú vị.

- Cùng với đề tài lịch sử, anh quan tâm đến đề tài hiện đại như thế nào?

Viết tuồng đề tài hiện đại cũng là một trong những miền đất mà tôi sẽ khám phá, nhưng chưa phải bây giờ. Bởi vậy, tôi vẫn tiếp tục đem đến cho khán giả hôm nay những tác phẩm về đề tài lịch sử là những trang sử vàng, những giá trị văn hóa của dân tộc không bao giờ xưa cũ, cần được trân quý và soi mình.

- Trân trọng cảm ơn tác giả Lê Công Phượng!

Bình Thanh (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viet-tuong-voi-toi-la-dinh-menh-post633763.html