Việt Yên: Vì sao tiểu thương không vào chợ mới?

Những năm gần đây, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ (TMDV), nhất là đầu tư xây dựng chợ tại địa bàn gần các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ xây dựng xong đã lâu nhưng có ít tiểu thương vào kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Chợ xây dựng xong để không

Giai đoạn 2022-2023, thị xã Việt Yên đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và ngân sách địa phương để xây dựng chợ Ninh Sơn, phường Ninh Sơn (6,5 tỷ đồng) và chợ Núi Hiểu, phường Quang Châu (4 tỷ đồng). Chợ Ninh Sơn có tổng diện tích 2,2 nghìn m2 với 4 cầu chợ, 35 gian hàng cố định. Chợ Núi Hiểu có diện tính hơn 1,6 nghìn m2 với 2 cầu chợ, 48 ki ốt (mở bán hàng 2 mặt). Cả 2 chợ đều được thiết kế xây dựng theo hướng tiện dụng, thân thiện, có các công trình phụ trợ như hệ thống phòng cháy, chữa cháy, điện chiếu sáng, cấp thoát nước đồng bộ, nhà điều hành... bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. 2 chợ đều nằm ở khu vực trung tâm phường, có mật độ dân số cao, giao thông thuận tiện. Mục tiêu đầu tư các chợ nêu trên nhằm hoàn thành tiêu chí chợ trong xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, đồng thời giúp các địa phương khắc phục “vùng lõm” về TMDV.

 Chợ Ninh Sơn. Ảnh chụp ngày 15/5/2024.

Chợ Ninh Sơn. Ảnh chụp ngày 15/5/2024.

Nhưng đáng tiếc là sau gần 1 năm đưa vào khai thác, cả 2 chợ đều có rất ít tiểu thương vào buôn bán. Chị Lương Thị Xuyến, tổ dân phố Cao Lôi, phường Ninh Sơn chia sẻ, gia đình thuê 2 gian hàng cố định trong chợ Ninh Sơn từ tháng 6/2023, mức phí 3 triệu đồng/gian/tháng nhưng hiện vẫn bỏ không. Chị Lê Thị Thu Hương, quê ở quận Gia Lâm (Hà Nội), đến thuê ki ốt kinh doanh quần áo ở chợ Núi Hiểu khoảng 4 tháng nay cho biết: "Ít khách hàng vào chợ, kinh doanh ế ẩm, tôi đang muốn nhượng lại gian hàng để chuyển đi nơi khác”.

Việt Yên hiện có 17 chợ; trong đó 2 chợ hạng II (chợ Nếnh thuộc phường Nếnh và chợ Chàng, xã Việt Tiến) và 15 chợ hạng III. Hiện chợ Nếnh đang được Công ty TNHH Môi trường Xanh (Bắc Ninh) đầu tư hơn 145 tỷ đồng xây mới. Chợ có diện tích khoảng 18,3 nghìn m2 với 100 ki ốt khép kín (có kho để hàng) và nhà chợ chính xây theo mô hình trung tâm thương mại hiện đại. Dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

Được biết, ngoài chị Hương, hiện có nhiều tiểu thương tại chợ Núi Hiểu trúng thầu thuê ki ốt trước đó với giá từ 2,5 đến 3,6 triệu đồng/tháng, thời gian hợp đồng 5 năm, giờ cũng muốn nhượng lại với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng nhưng không ai thuê. Được biết, UBND phường Quang Châu tổ chức 4 lần đấu thầu thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ Núi Hiểu nhưng mới có 15 ki ốt trúng thầu.

Hiện chỉ có vài hộ đến kinh doanh với gần 10 ki ốt được sử dụng. Các diện tích còn lại của chợ người dân lợi dụng làm chỗ để xe ô tô, chứa phế liệu… Rác thải chất đống trong chợ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Chợ Ninh Sơn cũng ở trong tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” dù UBND phường và cá nhân trúng thầu quản lý, vận hành, khai thác chợ có cơ chế miễn phí thuê các gian hàng cố định trong 6 tháng đầu kinh doanh.

Việt Yên hiện có 17 chợ (hầu hết là chợ họp theo phiên). Trước đây, cũng do không có tiểu thương vào chợ nên năm 2016, UBND phường Quảng Minh phải xin dừng khai thác chợ Đông Long (xây dựng năm 2003). Hiện tại, chợ Đình Trám (phường Hồng Thái) do Hợp tác xã Tộc Thân Bắc Giang đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh cũng có nhiều ki ốt đóng cửa. Khu vực cầu chợ biến thành bãi gửi xe. Việc các chợ hoạt động không hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư, gây thất thu thuế.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiểu thương không kinh doanh được trong chợ (nhất là các chợ mới xây dựng) là do người dân không vào chợ mua sắm hàng hóa, do thói quen tiện đâu mua đấy. Cụ thể, gần chợ Ninh Sơn (dọc tuyến đường Sen Hồ) có chợ cóc với hàng trăm hộ dân tại tổ dân phố Nội Ninh, xã Ninh Sơn và tổ dân phố Đông Long, phường Quảng Minh tham gia kinh doanh đã hút khách của chợ Ninh Sơn.

Chợ Núi Hiểu nằm tại tổ dân phố Núi Hiểu, dù mật độ dân cư đông (220 hộ dân và khoảng 5,5 nghìn phòng trọ) nhưng trên địa bàn có tới hơn 200 cửa hàng cố định, chưa kể hàng chục nhà hàng, khách sạn, quầy lưu động của tiểu thương từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên... mang đủ loại hàng hóa tiêu dùng đến bán tại lề đường, vỉa hè nơi đây. Bà Hoàng Thị In, tổ dân phố Núi Hiểu cho biết: “Chúng tôi chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể mua đủ các loại hàng hóa nên không mấy ai đến chợ”. Bên cạnh đó, diện tích gian hàng trong các chợ mới khá nhỏ, lại chỉ có 1 tầng nên việc kinh doanh gặp khó khăn vì không đủ chỗ chứa hàng hóa…

Ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND phường Quang Châu nói, khắc phục tình trạng ế ki ốt, thời gian tới, UBND phường tiếp tục cho đấu thầu thuê các gian hàng. Đại diện lãnh đạo UBND phường Ninh Sơn cũng cho hay, kết quả trúng thầu quản lý, kinh doanh chợ Ninh Sơn là 241,5 triệu đồng/năm, mức tiền này tương ứng với tiền thu thuế phi nông nghiệp cả năm trên địa bàn phường. Do đó, phường sẽ cùng cá nhân trúng thầu tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con và tiểu thương vào chợ buôn bán. Kêu gọi thương nhân chuyên hoạt động giết mổ, cung ứng sản phẩm thịt gia súc, nhất là thương nhân buôn bán rau, quả trên địa bàn đến chợ kinh doanh. Từ đó, từng bước xây dựng chợ Ninh Sơn thành chợ đầu mối rau, quả.

Để tránh lãng phí, giúp các chợ hoạt động hiệu quả, ông Lê Hoàng Bách, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên thông tin, thị xã đã yêu cầu các địa phương tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Theo đó, chuyển đổi từ mô hình chợ do UBND cấp xã quản lý chuyển sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, khai thác; từ mô hình hoạt động chợ nông thôn sang mô hình trung tâm thương mại, siêu thị hoặc các cửa hàng tự chọn, khép kín, kết hợp buôn bán ngoài trời, phù hợp với xu hướng phát triển trong lĩnh vực TMDV hiện đại mà Việt Yên đang hướng tới. Đối với chợ Núi Hiểu và Ninh Sơn, UBND thị xã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý người buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, chợ cóc để thu hút tiểu thương và người dân vào chợ. Về phía các phường cần chủ động thu dọn vệ sinh, không để người dân lợi dụng, lấn chiếm không gian chợ, bảo vệ tài sản do Nhà nước đầu tư, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh TMDV trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/viet-yen-vi-sao-tieu-thuong-khong-vao-cho-moi-072049.bbg