Vietinbank dự kiến tăng vốn thêm 10.000 tỷ đồng
Nguồn vốn thực hiện từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017 - 2018; lợi nhuận sau thuế còn lại, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền năm 2019. Việc lấy ý kiến cổ đông sẽ kéo dài đến ngày 23/11.
Ngân hàng VietinBank vừa phê duyệt tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức
Theo đó, ngân hàng trình cổ đông phương án phát hành hơn 1,07 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng 28,78% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Nguồn vốn thực hiện từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017 - 2018; lợi nhuận sau thuế còn lại, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền năm 2019. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng lên gần 47.954 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm sẽ được dùng toàn bộ để phục vụ kinh doanh, dự kiện vào một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ; mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư; mở rộng mạng lưới hoạt động.
Căn cứ vào kế hoạch kinh doanh năm 2020, VietinBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng từ 1 đến 3%, dư nợ tín dụng tăng từ 4 đến 8,5%, tiền gửi huy động tăng từ 5 đến 10%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tăng vốn là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất tại Vietinbank những năm gần đây. Không thể tăng được vốn điều lệ khiến tăng trưởng tín dụng của VietinBank bị hạn chế do "vướng" quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Cơ hội tăng vốn chỉ được mở ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 và bổ sung ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% vào diện các doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp.
Đây là cơ sở pháp lý để các nhà băng có vốn nhà nước được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì phải trả cổ tức bằng tiền mặt nộp ngân sách như nhiều năm qua.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nắm 64,46%, tương đương với 2,4 tỷ cổ phần của VietinBank. Ba cổ đông nước ngoài MUFG Bank, IFC Capitalization Fund và International Finance Corporation nắm lần lượt 19,7%, 3,35% và 1,64% vốn cổ phần. Công đoàn VietinBank nắm 1,15%, còn lại gần 9,7% là các cổ đông khác sở hữu.