Vietjet công bố kết quả kinh doanh quý IV-2019, doanh thu vận tải hàng không tăng trưởng 25%
Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV-2019. Theo đó, Vietjet tiếp tục có một năm hoạt động tăng trưởng tốt mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không trong năm 2019, duy trì vị trí đứng đầu về vận chuyển nội địa Việt Nam và phát triển thị trường quốc tế.
Trong năm 2019, Vietjet đã phát triển mạng bay tăng 24% với 22 đường bay quốc tế được mở đi Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, đặc biệt là thị trường Ấn Độ với 1,2 tỷ dân... Tương ứng, Vietjet đã chuyên chở gần 25 triệu lượt khách, tăng trưởng gần 28% so với năm trước.
Báo cáo tài chính quý IV-2019 của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán “VJC”) vừa công bố cho thấy, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 10.500 tỷ đồng tăng trưởng 25%, lũy kế năm 2019 doanh thu vận tải hàng không đạt 41.097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng doanh thu 21,4% và lợi nhuận trước thuế 29,3 % so với năm trước. Riêng doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng máy bay hoãn lại do kế hoạch giao của nhà sản xuất máy bay Airbus giãn ra. Năm 2018, Vietjet đã bán 16 máy bay, năm 2019, công ty chỉ bán 7 chiếc. Kết quả giãn kế hoạch bán máy bay phản ánh trong lũy kế doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt lần lượt là 52.059 tỷ đồng và 5.010 tỷ đồng giảm nhẹ so với năm trước.
Để bù đắp máy bay giao chậm của Airbus, Vietjet đã thuê thêm 9 máy bay, nâng số lượng máy bay đưa vào vận hành khai thác đến cuối năm 2019 là 78 chiếc với tổng số giờ khai thác là 321 nghìn giờ an toàn để đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách với 139 nghìn chuyến bay. Hệ số sử dụng ghế đạt 87%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, thuộc nhóm các hãng hàng không có chỉ số an toàn khai thác dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn của Viejet đạt 7 Sao - mức cao nhất trên bảng xếp hạng.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng còn nhờ vào chiến lược tăng trưởng doanh thu phụ trợ, chủ yếu bao gồm các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên máy bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) và doanh thu quảng cáo. Năm 2019, doanh thu phụ trợ đạt 11.356 tỷ, tăng 35,2% so với năm trước. Theo đó, cơ cấu doanh thu phụ trợ cũng chuyển dịch từ 25,4% năm 2018 lên 30% trong tổng doanh thu vận chuyển hàng không. Theo mô hình các hãng hàng không chi phí thấp (LCC), doanh thu phụ trợ là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hãng vì tỷ suất lợi nhuận đạt hơn 90%. Báo cáo của CarTrawler YearBook năm 2019 gần đây nhất cho biết Vietjet đang giữ vị trí top 12 của thế giới về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng tài sản của Vietjet đạt 47.608 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 17.661 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn sử dụng 2.347 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ, tương ứng tăng trưởng 22% và 25,8 % so với năm trước. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức tốt 1,4 lần, chỉ số nợ vay/ vốn chủ sở hữu chỉ có 0,77 lần, là mức vay rất thấp so với mức trong ngành hàng không. Chỉ số biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và tiền thuê (EBITDAR margin) đạt mức 31%, nằm ở vị trí các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực và thế giới.
Đội máy bay mới, hiện đại của Vietjet tiếp tục được trẻ hóa với tuổi đời bình quân đạt 2,75 năm, tiết kiệm nhiên liệu ở mức cao. Đặc biệt, cuối tháng 9-2019, Vietjet chính thức bổ sung vào đội máy bay loại máy bay thế hệ mới A321 NEO ACF (Airbus Cabin Flex) với 240 ghế đầu tiên trên thế giới. Máy bay A321 NEO ACF giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn tới 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50%. Năm 2020 dự kiến tiếp nhận thêm 9 máy bay A321 NEO mới, và từ năm 2021 mỗi năm hơn 20 chiếc; giúp giảm chi phí khai thác, gia tăng lợi nhuận từ vận tải hàng không và chuyển quyền sở hữu máy bay. Đồng thời, Vietjet tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng không.