Vietnam Post điều tra xã hội học chỉ số CCHC và sự hài lòng về phục vụ hành chính
Kết quả đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS 2019 cho thấy, tỷ lệ hài lòng nói chung là 84,45%, tăng gần 1,5% so với năm 2018.
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, kết quả chỉ số Par Index năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng là 16,22%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, năm 2019, số lượng đơn vị có điểm đánh giá tăng so với năm 2018 là 62 tỉnh, thành phố, cao hơn nhiều so với kết quả đánh giá năm 2018 (chỉ có 19 đơn vị tăng điểm so với năm 2017).
Tuy nhiên báo cáo cũng cho thấy, 63/63 tỉnh vẫn để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ.
Kết quả đánh giá Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS 2019 cho thấy, tỷ lệ hài lòng nói chung là 84,45%, tăng gần 1,5% so với năm 2018. 84,94% người dân, tổ chức cho rằng, việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến qua mạng internet và trả kết quả qua đường bưu điện là phù hợp.
Những chỉ số chính xác, khách quan và trung thực này là kết quả của quá trình điều tra xã hội học do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) phối hợp với các ngành Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh thực hiện trên toàn quốc.
Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Vietnam Post, để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của công tác điều tra xã hội học, Bưu điện Việt Nam đã bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo cung ứng việc phát và thu phiếu điều tra một cách tốt nhất, đúng quy định của Bộ Nội vụ.
Vietnam Post cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra xã hội học; xây dựng, hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ cụ thể tới các khâu liên quan cung ứng dịch vụ trên toàn hệ thống, đặc biệt hướng dẫn nhân viên Bưu điện (điều tra viên) nắm chắc cách thức điều tra, thông tin trên phiếu điều tra, chuyển trả đúng số tiền cho đối tượng điều tra được hưởng theo quy định; đảm bảo số phiếu điều tra phát đi và thu về phản ảnh thực tế thông tin chính xác đầy đủ, kịp thời và khách quan. Đặc biệt việc điều tra luôn đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật thông tin trên phiếu, không để trường hợp mất, thất lạc xảy ra; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Cũng theo ông Hào, để điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức phát ra 36.630 phiếu tại 63 tỉnh, thành phố; số phiếu hợp lệ thu về là 35.268 phiếu, đạt 96,28%.
Đối với việc điều tra xã hội học xác định Chỉ số CCHC năm 2019, tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh, thành phố và 19 Bộ, cơ quan ngang bộ là 20.716 phiếu; số phiếu thu về hợp lệ: 20.071 phiếu, đạt 96,89%
Xác định, các thông tin của quá trình điều tra xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho việc xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 nên tất cả các điều tra viên của Vietnam Post đều nghiêm túc thực hiện việc phát phiếu điều tra đến từng cá nhân người dân, người đại diện tổ chức. Việc phát phiếu được thực hiện theo nguyên tắc đúng đối tượng; không gợi ý nội dung trả lời; không trả lời thay...
Đại đa số người tham gia trả lời phiếu đã hợp tác với các điều tra viên để thực hiện việc trả lời phiếu theo yêu cầu của từng cuộc điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin về bản thân và trả lời đủ các câu hỏi của phiếu điều tra xã hội học.