Vietnam Report công bố Top 10 công ty thực phẩm uy tín năm 2023
Nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa có các doanh nghiệp như Công ty CP Sữa Việt Nam; Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam; Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Công ty CP Sữa Quốc tế.
Ngày 19/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm-đồ uống năm 2023.
Nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa có các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Frieslandcampina Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP), Công ty cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam, Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zott Việt Nam....
Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm-đồ uống năm 2023 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan gồm người tiêu dùng, chuyên gia… trong tháng 08/2023.
Đánh giá tổng quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành thực phẩm-đồ uống, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, ngành thực phẩm-đồ uống đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bước sang năm 2023, lạm phát không còn là áp lực lớn nhất đối với ngành thực phẩm-đồ uống khi lạm phát và biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần lượt ở mức 4,57% và 3,10% trong 8 tháng năm nay; riêng nhóm hàng thực phẩm, đồ uống và thuốc lá có mức tăng CPI lần lượt 3,03% và 3,54%.
Tính chung, nhóm bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 10%, tuy nhiên mức tăng trên thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ trước đó.
Theo khảo sát của Vietnam Report, do nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo (từ năm 2022 đến năm 2023 giảm 3,9%).
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận lớn hơn đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu.
Điều này cho thấy, không ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng. Điểm sáng của thị trường nằm ở giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt so với năm trước, góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bước sang năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp thực phẩm-đồ uống giữ được nhịp tăng trưởng về doanh thu đều giảm ở hầu hết các kênh phân phối; trong đó, sự giảm tốc thể hiện rõ ở các kênh truyền thống và kênh phân phối mua về nhà với tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu ở các kênh này lần lượt là 21,4% và 18,2%.
Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước./.