Vietnam Valves 2025 quy tụ các chuyên gia đầu ngành tim mạch, mở rộng triển vọng điều trị bệnh van tim
Hội nghị Vietnam Valves 2025 quy tụ các chuyên gia đầu ngành tim mạch Việt Nam nhằm cập nhật tiến bộ, thống nhất chuyên môn và tháo gỡ rào cản trong điều trị bệnh van tim, đặc biệt là kỹ thuật thay van tim qua da (TAVI).
Ngày 11/7, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã phối hợp với Hội Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch Việt Nam, Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam và Đại học Yonsei (Hàn Quốc) tổ chức Hội nghị Khoa học Việt Nam Valves 2025.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức chia sẻ: "Là một bác sĩ chuyên ngành tim mạch, tôi rất vinh dự khi được tham dự Hội nghị Khoa học Việt Nam Valves 2025. Đây là một sự kiện khoa học có ý nghĩa đặc biệt, quy tụ gần như đầy đủ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch của Việt Nam, từ nội khoa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh đến điều trị suy tim".
Hội nghị là cơ hội quý báu để cập nhật những tiến bộ mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hướng đến sự đồng thuận chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý van tim, đặc biệt là can thiệp thay van tim qua da (TAVI).

Thứ trưởng Bộ Y tế, TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội nghị.
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế sẽ tiếp thu đầy đủ các đề xuất, ý kiến đóng góp từ hội nghị, phối hợp với các hội chuyên ngành xây dựng phác đồ điều trị thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Đồng thời, sẽ nghiên cứu cơ chế chi trả bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận kỹ thuật điều trị hiện đại với chi phí hợp lý.
Từ năm 1999 đến nay, can thiệp tim mạch đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân.
Tại Việt Nam, ca can thiệp van động mạch chủ đầu tiên được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu thực hiện vào năm 2011 tại An Giang. Hiện Việt Nam có 18 trung tâm triển khai kỹ thuật này, đã có khoảng 500 ca được thực hiện, phần lớn các ca bị van động mạch chủ, một số ca van hai lá, ba lá và phổi.
Dù số ca còn khiêm tốn, nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tim mạch can thiệp Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, chi phí điều trị cao, chỉ định chuyên môn chưa đồng nhất và chính sách chi trả vẫn là những rào cản lớn cần tháo gỡ.
GS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: "Để kỹ thuật TAVI lan tỏa sâu rộng hơn, chúng ta cần tháo gỡ rào cản về chi phí, xác lập chỉ định rõ ràng, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận tại tuyến dưới".

GS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát biểu khai mạc.
Đồng quan điểm, GS.TS.BS Lê Ngọc Thành – Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam cho rằng, chi phí cao là rào cản lớn khiến số lượng ca can thiệp còn hạn chế. GS.TS.BS Lê Ngọc Thành kỳ vọng kỹ thuật này sớm được bảo hiểm y tế chi trả, tạo điều kiện để người dân tiếp cận điều trị hiện đại, ít xâm lấn.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam đánh giá cao việc hội nghị thẳng thắn đặt ra vấn đề triển khai kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) – một bước tiến công nghệ nhưng vẫn còn nhiều rào cản.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn chuyên môn, khuyến cáo điều trị chính thức, đồng thời đưa kỹ thuật này vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho người bệnh.
"Sau hội nghị này, tôi tin rằng chúng ta sẽ có thêm những bước tiến cụ thể trong việc chuẩn hóa quy trình chẩn đoán, điều trị bệnh lý van tim tại Việt Nam", Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam kỳ vọng.