VietnamPlus đạt Giải B Giải Báo chí Đấu tranh Phòng, Chống Tham nhũng

Báo Điện tử VietnamPlus-Thông tấn xã Việt Nam giành Giải B, Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư cho loạt bài về thuốc điều trị, vật tư y tế.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhận giải B Giải Báo chí Đấu tranh Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhận giải B Giải Báo chí Đấu tranh Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Loạt bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm" của tác giả Cao Thị Thùy Giang, Báo Điện tử VietnamPlus-Thông tấn xã Việt Nam đã đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư.

Lễ trao giải diễn ra long trọng vào tối 5/11 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

TTXVN giành hai giải thưởng

Chia sẻ về quá trình xây dựng tuyến bài, phóng viên Cao Thị Thùy Giang cho hay sau đại dịch COVID-19, một trong những vấn đề nổi cộm nhất của ngành Y tế đó là tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đây được coi là vấn đề nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trước thực tế trên, Ban biên tập Báo Điện tử VietnamPlus đã có sự chỉ đạo, định hướng để phóng viên vào cuộc, đi thực tế sâu để tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và những giải pháp từ các bên liên quan để giải quyết tình trạng trên với loạt 4 bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm."

Phóng viên Cao Thị Thùy Giang đã “gõ cửa” nhiều cơ sở y tế, nhưng đa phần các lãnh đạo bệnh viện đều tránh né vấn đề vì nhiều lý do “khó nói” liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng.

“Làm sao để không còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị, đáp ứng thuốc cho người dân là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân,” phóng viên trăn trở.

Loạt bài với các ý kiến thấu đáo từ các chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội đề xuất việc xử lý nghiêm sai phạm tại các cơ sở y tế sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện công "sống khỏe," nâng chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

Bên cạnh việc xây dựng nội dung dày dặn, loạt bài còn được thể hiện kết hợp với nhiều dữ liệu biểu đồ, đồ họa/video sinh động giúp bạn đọc dễ hình dung về thực trạng ngành Y tế Việt Nam.

“Sau khi đăng tải, loạt bài đã nhận được sự phản hồi tích cực của rất nhiều bạn đọc - chính là những bệnh nhân/người nhà bệnh nhân đồng thời nhận được sự ủng hộ là tiếng nói của các cơ quan quản lý cũng như sự chỉ đạo từ Chính phủ với nhiều văn bản khác nhau để cùng chung tay giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế để quyền lợi của người bệnh được đảm bảo,” phóng viên Cao Thị Thùy Giang chia sẻ.

Các đại biểu dự Lễ trao giải. (Ảnh: M.Anh/Vietnam+)

Các đại biểu dự Lễ trao giải. (Ảnh: M.Anh/Vietnam+)

Ngoài Giải B của Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam còn được vinh danh với Giải C dành cho loạt chương trình: “Tảng băng trôi Việt Á – Bài học về công tác cán bộ” của nhóm tác giả Quang Vũ-Lan Anh, Truyền hình Thông tấn.

Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tình trạng tham nhũng lớn trong lĩnh vực Y tế được phát hiện tại một số nơi. Vụ án tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đại án giữa Công ty Việt Á và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hà Giang, Bình Dương… là các ví dụ điển hình về tình trạng tham nhũng lớn.

Loạt chương trình về vụ Việt Á của Truyền hình Thông tấn. (Ảnh chụp màn hình)

Loạt chương trình về vụ Việt Á của Truyền hình Thông tấn. (Ảnh chụp màn hình)

Thủ đoạn được thực hiện một cách chuyên nghiệp, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên và còn được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà Nước. Từ đó có thể nhận thấy, tham nhũng xảy ra phổ biến ở các cấp độ và dưới những hình thức đa dạng trong lĩnh vực Y tế.

Nhóm tác giả Quang Vũ-Lan Anh đã thực hiện 5 chương trình: Vụ Việt Á và dấu hỏi về trách nhiệm; Đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước xung quanh vụ án Việt Á; “Tảng băng trôi” Việt Á và những mảnh vỡ chưa có điểm dừng; Đại án Việt Á-Bài học về công tác cán bộ; Đại án Việt Á: Nghiêm trị và khoan hồng.

Loạt chương trình có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực liên quan; thanh tra Chính phủ, Quốc hội; các chuyên gia nghiên cứu và đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói Nhân dân.

Theo phóng viên Lan Anh, vụ Việt Á là một trong những đại án có số lượng vụ án và số lượng bị cáo đông nhất từ trước tới nay.

Xảy ra trong bối cảnh đại dịch, lợi dụng tình cảnh khó khăn của đất nước và người dân để trục lợi, đại án Việt Á gây bức xúc, căm phẫn cho toàn thể nhân dân. Đó là lý do Truyền hình Thông tấn tiếp cận vụ việc này từ những ngày đầu tiên, theo sát diễn biến vụ án và thực hiện loạt bài này để nhìn lại trách nhiệm của các bên, đưa ra lời cảnh báo về sự buông lỏng quản lý, cũng như tìm giải pháp đểphòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực Y tế.

Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao

Qua các lần tổ chức, Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo.

Trao giải A cho tác giả đoạt giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trao giải A cho tác giả đoạt giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Theo ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư, dấu ấn đậm nét nhất là số lượng các tác phẩm báo chí gửi tham dự ngày càng tăng dần theo theo các mùa giải.

Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 Giải B; 12 Giải C; 28 Giải Khuyến khích.

Các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí thể lệ của Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đề tài được đầu tư công phu, phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Phát biểu tại Lễ trao giải, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng các tác giả đoạt giải. Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, ông Nghĩa yêu cầu tập trung vào 5 điểm sau:

Trước hết, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là phát huy vai trò của các đoàn thể, cơ quan quản lý cũng như mỗi cá nhân để cùng tham gia công tác này.

Thứ hai, phải tăng cường phối hợp và đồng hành giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.

Các tác giả đoạt giải B. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Các tác giả đoạt giải B. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Thứ ba là phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, các cơ quan báo chí các cấp, Hội Nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, của hội viên.

Cuối cùng, cần có cơ chế khen thưởng tôn vinh kịp thời với cơ quan, người lám báo dấn thân có đóng góp tích cực, tiếp tục đổi mới công tác chức Giải thưởng, góp phần tiếp thêm sức mạnh cho người làm công tác này./.

Các tác phẩm đạt giải A Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực lần thứ Tư:

1. Tác phẩm: Loạt bài 5 kỳ: Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn; Tác giả: Nguyễn Hồng Nguyên; Đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật;
2. Tác phẩm: Loạt bài 5 kỳ: Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội; Nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn, Trần Văn Quốc, Quách Hà Đương; Đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận;
3. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa; Phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam;
4. Tác phẩm: Phim tài liệu: Không lùi bước; Nhóm tác giả: Nguyễn Nhật Duy, Phan Ý Linh; Phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vietnamplus-dat-giai-b-giai-bao-chi-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung/906106.vnp