Vietsovpetro cùng ĐH Mỏ - Địa chất ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Chiều ngày 13/06, tại Trụ sở làm việc của Bộ máy điều hành, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã ký kết Thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tham dự lễ ký kết, về phía Trường ĐH Mỏ - Địa chất có GS.TS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng; TS. Bùi Trường Sơn, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp; TS Lê Quang Duyến, Phó Trưởng khoa Dầu khí; TS Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chánh Văn phòng đại diện cùng lãnh đạo các khoa và các giảng viên của trường.
Về phía Vietsovpetro có đồng chí Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng Giám đốc; đồng chí Trần Văn Vĩnh – Chánh Kỹ sư; đồng chí Nguyễn Thành Trường – Phó Tổng Giám đốc; đồng chí Trần Công Tín – Chánh Kinh tế và đại diện các phòng, ban, đơn vị có liên quan.
Thay mặt Ban lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Quỳnh Lâm đã nồng nhiệt chào mừng đoàn công tác của Trường đã đến thăm và làm việc với Vietsovpetro, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn các thầy, cô của trường đã đào tạo cho Vietsovpetro nói riêng, ngành Dầu khí nói chung nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia có chuyên môn cao. Đồng chí nhấn mạnh: Hiện nay, Vietsovpetro có nhu cầu lớn về công nghệ khai thác mỏ, về nghiên cứu khoa học… và mong muốn có sự hợp tác hiệu quả, tích cực với Trường trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng cho biết, việc ký kết với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro là sự kiện quan trọng. Trong thời gian qua, ĐH Mỏ - Địa chất đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu và chuyên ngành dầu khí, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dầu khí trong và ngoài nước. Trường tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ có những bước phát triển tốt đẹp, bền vững hơn nữa trong tương lai.
Tại lễ ký, Hai Bên khẳng định cùng nhau hợp tác theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết sử dụng các nguồn lực để phục vụ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ với các nội dung: Trao đổi cán bộ tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận án cho cán bộ, sinh viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh; phối hợp biên soạn, xuất bản các giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên san, trao đổi các đề tài nghiên cứu và giảng dạy; xây dựng chương trình, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hướng nghiệp, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng, các khóa đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành theo yêu cầu của VSP; tiếp nhận các giảng viên đến tìm hiểu thực tế ngắn hạn tại VSP để cập nhật công nghệ và kỹ thuật mới nhằm phục vụ quá trình đào tạo và tiếp nhận sinh viên thực tập tại các đơn vị của VSP…
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học sẽ phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, xử lý sản phẩm khai thác và thu gom vận chuyển dầu khí, giàn khoan và công trình dầu khí, an toàn môi trường, phản biện đề tài – dự án, viết báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế; trao đổi kinh nghiệm hợp tác trong nước và quốc tế thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học và dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí….
Trường ĐH Mỏ - Địa chất là trường đại học chuyên ngành lớn của cả nước đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học về các lĩnh vực điều tra và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, đo đạc lãnh thổ, lãnh hải và quản lý đất đai.
Từ 1966 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 59 khóa đại học với hơn 70.000 kỹ sư thuộc 45 chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa - Bản đồ, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Cơ-Điện, Xây dựng và Môi trường. Số sinh viên Cao đẳng đã tốt nghiệp là trên 4000 người; gần 6000 học viên Cao học đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ thuộc 15 ngành đào tạo; 405 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ thuộc 13 ngành đào tạo. Trong đó có nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo, những chuyên gia giỏi của PVN nói chung và VSP nói riêng.
Trong 53 năm qua, Trường đã chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học gồm: 172 đề tài cấp Nhà nước; 494 đề tài cấp Bộ và 1407 đề tài cấp trường. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ ngày càng nhiều cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp, các địa phương.