Viettel kiến nghị cơ chế đặc biệt đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, nếu có cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ.
Vì sao Viettel nhảy vào lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ công nghệ?
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI ngày 15/1/2025, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel đã đưa ra lý do và tầm nhìn của Viettel để làm chủ công nghệ từ những ngày đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông.
“Ngay sau khi thành công trong tiên phong phổ cập dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam và bắt đầu vươn ra đầu tư thị trường quốc tế, những năm đầu 2010, Viettel đã xây dựng chiến lược làm chủ việc nghiên cứu thiết kế, sản xuất thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, vừa để triển khai hạ tầng mạng lưới vừa để xuất khẩu sang thị trường chúng tôi đầu tư. Đây là một bước đột phá quan trọng của Tập đoàn nhằm mục đích cung cấp trang thiết bị hạ tầng mạng lưới tin cậy để đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bảo mật hệ thống, một trong những yếu tố sống còn của chuyển đổi số”, ông Tào Đức Thắng nói.
Một nguyên nhân nữa được chủ tịch Viettel đưa ra là để đảm bảo tiến độ cung cấp hàng hóa, triển khai hạ tầng mạng lưới, và thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài.
Cuối cùng là làm chủ hệ thống, thiết bị, chủ động ứng cứu thông tin trong trường hợp sự cố xảy ra và tiến tới thương mại hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Viettel sẽ nghiên cứu 5G Advanced và 6G
Trong bài phát biểu của mình, ông Tào Đức Thắng khẳng định, Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xác định, năm 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số. Chính vì vậy, từ những năm 2018, Tập đoàn bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G từ thiết bị mạng lõi, truyền dẫn, thiết bị mạng lưới, thiết bị vô tuyến, đầu cuối, có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới.
Chủ tịch Viettel cho hay, đến nay, các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng trên hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE. Ngoài ra, thiết bị viễn thông Viettel cũng được triển khai trong các phòng lab của trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, góp phần tăng cường học cụ cho các giảng viên, thầy cô trong trường.
“Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp và thực tế ảo tăng cường; Đồng thời tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.
Viettel đưa 3 kiến nghị để tạo đột phá
Chủ tịch Viettel chia sẻ, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…
Dưới góc nhìn của mình, ông Tào Đức Thắng cho rằng, để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, cần những chính sách mang tính đột phá.
Chủ tịch Viettel kiến nghị, cần sớm ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.
“Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật; Hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Chúng tôi cho rằng, dù kết quả nghiên cứu thành công hay thất bại đều mang lại bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai”, ông Tào Đức Thắng nhận định.
Ông Tào Đức Thắng đề xuất, triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.
Đại diện Viettel kiến nghị, Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư.
Cuối cùng, ông Tào Đức Thắng đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Phía Viettel viện dẫn, một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
“Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ. Do vậy, chúng tôi đề xuất Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất”, ông Tào Đức Thắng nói.