Viettel là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam
Năm 2023, doanh thu của Viettel đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%; đóng góp gần 39 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Ba năm qua, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu trên 25%. Viettel đã đầu tư ra 10 thị trường tại 3 châu lục, trong đó 7 thị trường đứng vị trí số một về thị phần viễn thông.
Viettel đã xây dựng 2 hạ tầng ở quy mô quốc gia gồm: Thứ nhất là hạ tầng viễn thông siêu băng rộng với 5 đường trục cáp quang nội địa; 3 hướng trục cáp quang quốc tế đi Trung Quốc, Lào, Campuchia trên đất liền; 4 đường cáp quang biển kết nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ; gần 100.000 trạm phát sóng trong đó có hơn 55.000 trạm 4G phủ sóng tới 98% dân số Việt Nam. Thứ hai là hạ tầng số với mạng 5G đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố; hạ tầng IoT kết nối vạn vật, 13 trung tâm dữ liệu DC, lớn nhất Việt Nam.
Viettel đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2023, trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, Viettel đã xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho đội ngũ công chức Việt Nam. Năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu xây dựng trợ lý ảo tiếng Việt cho từng công dân Việt Nam.
Đặc biệt, Viettel là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam; làm chủ các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông trên cả 4 lớp mạng giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất hệ sinh thái sản phẩm 5G và thử nghiệm thành công trên mạng lưới, sẵn sàng thương mại hóa vào năm 2024, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel cũng nghiên cứu thành công 2/3 chip set dành cho hạ tầng 5G.
">
Nghiên cứu sản phẩm thông tin quân sự Viettel. Ảnh do Viettel cung cấp
Viettel cũng đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành Vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội, một số có tính năng chiến – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Các sản phẩm này vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đến nay, Viettel sở hữu 136 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, 30 bằng độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ. Các công trình, sáng chế đều do các chuyên gia Việt Nam tự chủ từ nghiên cứu tới chế tạo, không những tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí nghiên cứu sản xuất mà còn đảm bảo bí mật tác chiến, an toàn thông tin, quyết định tới hiệu quả của hệ thống phòng thủ đất nước.
Viettel góp phần hình thành nền công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam, đặt ra sứ mệnh xây dựng không gian mạng lành mạnh để người dân sống an toàn hơn và hiện là nhà cung cấp dịch vụ an toàn thông tin số một tại Việt Nam.
Sở hữu đội chuyên gia an toàn thông tin được công nhận trên đấu trường thế giới với thành tích tìm ra hơn 400 lỗ hổng bảo mật zero-day (lỗ hổng chưa từng được công bố). Năm 2023, Viettel giành chức vô địch tại cuộc thi khai thác lỗ hổng bảo mật lớn nhất thế giới Pwn2Own; giữ vị trí số 1 tại bảng xếp hạng cao thủ bảo mật thế giới BugCrowd, được nhiều hãng công nghệ tầm cỡ như Microsoft, Google, Facebook, Oracle tôn vinh trong top các chuyên gia bảo mật có đóng góp giá trị nhất.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/viettel-la-hat-nhan-xay-dung-to-hop-cong-nghiep-quoc-phong-cong-nghe-cao-cua-viet-nam-764875