Vinaconex (VCG): Thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, dư nợ vay giảm đáng kể

Dữ liệu cho thấy nhờ hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi trị giá tới 290 tỷ đồng nên Vinaconex (mã cổ phiếu VCG) đã thoát lỗ trong quý 3/2023. Bên cạnh đó, dư nợ vay của doanh nghiệp này đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm nay.

Thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG - HoSE) cho thấy doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.381 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm gần 20%, khiến lợi nhuận gộp của Vinaconex giảm tới 78%, chỉ còn 63 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm mạnh từ 9% xuống còn 2,6% trong quý 3/2023.

Doanh thu hoạt động tài chính của Vinaconex trong kỳ cũng giảm 58%, còn hơn 44 tỷ đồng.

Đối với các khoản chi phí, chi phí tài chính giảm 10,5%, còn 159 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 92%, lên 31 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp lại ghi nhận lãi 201 tỷ đồng do Vinaconex hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi trị giá 290 tỷ đồng.

Kết quả, Vinaconex báo lãi ròng đạt 27 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng chi phí nguyên vật liệu và nhân công trực tiếp tăng cao trong thời gian qua đã bào mòn biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng của Vinaconex.

Tình trạng chi phí nguyên vật liệu và nhân công trực tiếp tăng cao trong thời gian qua đã bào mòn biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng của Vinaconex.

Theo giải trình của ban lãnh đạo Vinaconex, lợi nhuận suy giảm mạnh chủ yếu do giá vốn trong kỳ đã tăng cao; đồng thời, hoạt động kinh doanh của các công ty con, liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của nền kinh tế dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex ghi nhận tổng doanh thu thuần 8.915 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng chỉ đạt 204 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây cũng là tình trạng phổ biến đối với các doanh nghiệp xây dựng khác khi chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và nhân công trực tiếp phục vụ hoạt động xây dựng đã tăng mạnh trong năm nay; trong khi đó, hợp đồng mới ít khi thị trường bất động sản nói chung, hoạt động xây dựng nói riêng ảm đạm, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệu để giành được hợp đồng.

Bên cạnh đó, đặc thù của mảng xây dựng thường có biên lợi nhuận gộp thấp do đó Vinaconex đã buộc phải đánh đổi giữa lợi nhuận cho tăng trưởng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4/2023, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Vinaconex cho biết: “Riêng với đầu tư công, giá trị xây dựng dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2% - 3%".

Dư nợ vay đã giảm đáng kể, mảng bất động sản tăng tốc

Bên cạnh những yếu tố trên, bức tranh tài chính của Vinaconex cũng cho thấy một số điểm sáng. Trong đó, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn & dài hạn của Vinaconex chỉ còn 11.624 tỷ đồng, giảm 14% so với thời điểm đầu năm, chiếm 39% tổng nguồn vốn. Điều này đã giúp chi phí tài chính của Vinaconex trong quý 3/2023 giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCG của Vinaconex từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCG của Vinaconex từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Bất động sản - “Gà đẻ trứng vàng” mới của Vinaconex (VCG)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vinaconex cũng đang ghi nhận hơn 2.511 tỷ đồng từ khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn. Khoản tiền này sẽ được hạch toán vào doanh thu khi doanh nghiệp bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Ngoài ra, doanh thu kinh doanh bất động sản của Vinaconex trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1.939 tỷ đồng (chiếm gần 22% tổng doanh thu). Trái ngược với mức lợi nhuận mỏng của mảng xây dựng, mảng bất động sản của Vinaconex có tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 29% (trong nửa đầu năm 2023).

Vinaconex đang tận dụng triệt để lợi thế là một trong những tổng thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam để vừa làm chủ đầu tư, vừa làm nhà thầu trong các dự án bất động sản, giúp giảm chi phí đầu thầu, xây dựng, và chi phí chung cho các dự án. Mảng bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng lợi nhuận mới cho Vinaconex trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 01/11, cổ phiếu VCG đạt 19.750 đồng/cổ phiếu, tăng gần 24% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vinaconex-vcg-thoat-lo-nho-hoan-nhap-du-phong-phai-thu-kho-doi-du-no-vay-giam-dang-ke-113159.htm