Vinamilk (VNM), HAGL Agrico (HNG) 'chạy đua' giải bài toán nhập khẩu thịt bò của Việt Nam

Vinamilk (mã cổ phiếu VNM) và HAGL Agrico (mã cổ phiếu HNG) đang dồn lực hoàn thiện các dự án chăn nuôi bò quy mô hàng trăm triệu USD. Trong đó, sản phẩm thịt mát của Vinamilk dự kiến sẽ được tung ra thị trường ngay trong quý 4 tới đây.

Theo kế hoạch của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE), dự án Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo tại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1 sẽ được vận hành vào quý 4/2024.

Dự án này do Vinamilk và công ty con - Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) hợp tác đầu tư với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng). Trong đó giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Quy trình chăn nuôi và chế biến thịt bò khép kín của Vinamilk tại Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo.

Quy trình chăn nuôi và chế biến thịt bò khép kín của Vinamilk tại Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo.

Theo cập nhật mới đây từ hãng Chứng khoán DSC, Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo đã thử nghiệm được 20 lứa và cho kết quả khả quan. Dự kiến sản phẩm chính thức sẽ được ra mắt thị trường trong quý 4/2024. Giai đoạn 1 của dự án có sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn thịt bò mát/năm, ước tính mang về cho Vinamilk khoản doanh thu 2.550 tỷ đồng/năm.

Nhiều tổ chức tài chính và hãng chứng khoán hiện kỳ vọng Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Vinamilk trong bối cảnh sức ép cạnh tranh tại ngành sữa Việt Nam ngày càng tăng.

Bên cạnh Vinamilk, một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp là Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã cổ phiếu HNG - sàn HoSE) cũng đang chuẩn bị đưa vào vận hành dự án sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.

Dự án này có quy mô 27.384 ha với tổng mức đầu tư khoảng 720 triệu USD (tương đương gần 18.100 tỷ đồng). Dự án được triển khai theo mô hình trồng các loại cây ăn quả nhiệt đới kết hợp với chăn nuôi bò bán chăn thả.

Dự án chăn nuôi bò kết hợp canh tác trái cây của HAGL Agrico có tổng mức đầu tư khoảng 720 triệu USD.

Dự án chăn nuôi bò kết hợp canh tác trái cây của HAGL Agrico có tổng mức đầu tư khoảng 720 triệu USD.

HAGL Agrico dự kiến, khi đi vào hoạt động chính thức, dự án trên sẽ cung cấp ra thị trường 624.000 tấn trái cây tươi các loại/năm; 25.000 tấn trái cây chế biến để xuất khẩu/năm; 12.000 con bò giống/năm; và 17.000 tấn thịt bò thương phẩm xuất khẩu/năm.

Ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết, tính đến tháng 5/2024, công ty đã có hơn 5.000 con bò tại dự án và 2.000 bê con được sinh ra. Dự kiến khoảng 18 tháng nữa (nửa sau năm 2025), công ty sẽ có doanh thu từ thịt bò thương phẩm.

Ban lãnh đạo HAGL Agrico kỳ vọng dự án này sẽ tạo ra “bước ngoặt” đối với tình hình hoạt động kinh doanh trong bối cảnh công ty đối mặt với khoản lỗ lũy kế lên tới 8.472 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm về dưới 2.387 tỷ đồng.

HAGL Agrico dự phóng khi dự án hoạt động tối đa công suất vào năm 2028 sẽ đem lại khoản doanh thu 13.500 tỷ đồng với lợi nhuận dự kiến đạt 2.450 tỷ đồng.

Đánh giá về tiềm năng thị trường, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, sức tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 sẽ tăng hơn 13%, gấp đôi mức tăng trưởng của thịt heo.

Dự kiến đến năm 2026, nhu cầu thịt bò tại Việt Nam sẽ đạt 420.000 tấn/năm; trong khi sản lượng hiện tại đang ở mức 270.000 tấn/mức. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan cho thấy, lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 lên tới 717.000 tấn, trị giá 1,43 tỷ USD.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vinamilk--vnm-hagl-agrico--hng---chay-dua--giai-bai-toan-nhap-khau-thit-bo-cua-viet-nam-124969.htm