Vinasun khiếu nại quyết định về thương vụ sáp nhập Grab - Uber
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam được biết dưới thương hiệu taxi Vinasun đã khiếu nại đòi hủy bỏ Quyết định xử lý vụ việc canh tranh 18KX HCT 01 ngày 17-6-2019 rằng thương vụ Grab - Uber không vi phạm luật cạnh tranh và đề nghị Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tổ chức lại phiên điều trần công khai.

Một phần văn bản khiếu nại của Vinasun.
Khiếu nại nói trên xuất phát từ việc Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra phán quyết về thương vụ sáp nhập Grab - Uber hồi tháng 3-2018, rằng thương vụ không vi phạm luật cạnh tranh. Phán quyết này đi ngược với kết luận điều tra của Singapore, Philippines về cùng hành vi của Grab và Uber xảy ra ở các nước này.
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho rằng phán quyết trên đi ngược với nhận thức chung của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Vụ Grab mua lại thị phần của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam không chỉ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng điều tra mà các quốc gia trong khu vực cũng có kết luận chính thức và đưa ra phán quyết cụ thể.
Vinasun cho hay, việc áp dụng pháp luật cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chưa phù hợp. Bởi lẽ, không thể nói rằng do Uber Việt Nam không đăng ký ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam, cũng không trực tiếp quản lý, vận hành ứng dụng Uber thì giao dịch của Grab và Uber không ảnh hưởng đến thị trường vận tải xe ô tô dưới 9 chỗ tại Việt Nam.
Vinasun cũng cho rằng, hành vi tập trung kinh tế Grab và Uber không chỉ là nguy cơ tiềm tàng mà trên thực tế đã có tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Nhờ có giao dịch này, Grab đã thành công trong việc thâu tóm thị trường và công bố đang phục vụ 25% dân số Việt Nam. Việc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ dữ liệu, bảo lưu quyền chuyển nhượng dữ liệu của 25% dân số cho bên thứ ba sẽ đặt ra những nguy cơ lớn không chỉ về kinh tế mà còn cả vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Hơn nữa, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 28-12-2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà nguyên đơn là Vinasun, bị đơn là Grab, Tòa án Nhân dân TPHCM đã phán quyết “Có đủ căn cứ để xác định, từ ngày 14-2-2014 đến nay Công ty TNHH Grab đã thực hiện việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (taxi) nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Vì thế, Vinasun đề nghị Chủ tịch Hội Đồng Cạnh tranh xem xét để hủy quyết định, giải quyết lại vụ việc cạnh tranh vì theo Điều 112, khoản 3, điểm a: "Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại trong các trường hợp sau đây: Chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ" trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, áp dụng đúng quy định pháp luật, đúng bản chất vụ việc để đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Đồng thời, việc tổ chức phiên điều trần cần công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 của Luật Cạnh tranh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao nhận thức nhân dân về tuân thủ pháp luật cạnh tranh. Công bố công khai danh tính của 6 bên liên quan và cho phép các tổ chức, cá nhân này tham gia phiên điều trần.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28-12-2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà nguyên đơn là Vinasun, bị đơn là Grab, Tòa án Nhân dân TPHCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Công ty TNHH Grab theo quy định của pháp luật.
Hồng Ngọc