Vĩnh biệt cựu trung phong tài, đức Nguyễn Trung Hậu

Cựu trung phong Nguyễn Trung Hậu của bóng đá Sài Gòn từng khiến người xem ngây ngất mỗi khi ra sân đá cặp với Hoàng 'Lato' bởi những pha bóng đậm chất kỹ thuật.

Nhắc đến bóng đá Sài Gòn và nhắc đến cái tên Công Nghiệp Thực Phẩm, hẳn những người yêu bóng đá không thể quên được cặp trung phong từng lưu dấu chân trên các sân cỏ cả nước: Đinh Công Hoàng - Nguyễn Trung Hậu. Bộ đôi trung phong mà mọi người hay gọi chung là cặp HOÀNG - HẬU của bóng đá Sài Gòn.

Nếu Tổng cục Vật tư và Xi măng Hà Tiên trước đây có bộ đôi Võ Thành Sơn -Quang Đức Vĩnh từng làm mưa làm gió thì cặp Hoàng - Hậu lại có những nét rất riêng của bóng đá Sài Gòn.

Đội Công Nghiệp Thực Phẩm những năm 1980, cặp trung phong Trung Hậu - Hoàng "Lato" (thứ năm, sáu hàng cuối từ trái sang). Ảnh: TƯ LIỆU

Đội Công Nghiệp Thực Phẩm những năm 1980, cặp trung phong Trung Hậu - Hoàng "Lato" (thứ năm, sáu hàng cuối từ trái sang). Ảnh: TƯ LIỆU

Chính cựu trung phong Đinh Công Hoàng với cái tên trìu mến Hoàng “Lato” (tên được người hâm mộ Sài Gòn đặt vì có cái đầu hói giống cựu tuyển thủ Ba Lan, Lato) nay đã định cư tại Úc chia sẻ: “Họ hay nói trời sinh một cặp và tôi với Hậu đúng là một cặp thật. Sống với nhau lâu, ăn, tập cùng nhau, lại đá một cặp trung phong theo sơ đồ 4-4-2 hồi đấy nên hiểu và ăn ý lắm. Người hâm mộ nói Hậu cần cù, siêng chạy chỗ để tạo ra khoảng trống cho tôi ăn banh cũng đúng và ngược lại, tôi hiểu từng bước chạy của Hậu nên có không ít pha “thảy” bóng cho Hậu ăn bàn mà không cần nhìn. Những năm 1990, đội Công An TP.HCM có cặp Đức - Chiến được ví là giống với Hoàng - Hậu ngày xưa nhưng thú thật là Đức - Chiến không thể hiểu nhau tường tận như tôi với Hậu ngày nào…”.

Tối 19-5, hay tin người đồng đội gắn bó và ăn ý với mình cùng bóng đá Sài Gòn một thời đã ra đi, ông Hoàng “Lato” không khỏi bàng hoàng dù lần gần nhất về Việt Nam thăm bạn, ông Hoàng đã biết ông Hậu không còn gắn bó với bóng đá và lo chữa trị bệnh tật.

Cá nhân tôi, những năm 1980, khi còn là cậu bé học cấp II, cấp III, ngồi bên khán đài D, đã từng chứng kiến mỗi lần Công Nghiệp Thực Phẩm ra sân với màu áo truyền thống xanh nước biển và khi loa sướng tên cặp trung phong Đinh Công Hoàng - Nguyễn Trung Hậu là cả sân náo nhiệt với tiếng vỗ tay và hô vang tên cặp trung phong rất lành tính nhưng lại là sát thủ của các hàng phòng ngự.

Sân Thống Nhất những năm 1980, thời hoàng kim của cặp trung phong Hoàng - Hậu. Ảnh: TƯ LIỆU

Sân Thống Nhất những năm 1980, thời hoàng kim của cặp trung phong Hoàng - Hậu. Ảnh: TƯ LIỆU

Ấn tượng để lại trong tôi về cặp trung phong này là sự bổ khuyết cho nhau trong nhiệm vụ ghi bàn. Nếu Hoàng “Lato” rất nhanh và tận dụng tốt khoảng trống lẫn dứt điểm trong cự ly hẹp hay chọn vị trí bật cao đánh đầu hiểm thì Trung Hậu lại là tiền đạo siêng di chuyển, lì đòn, không ngán ngại những trung vệ to cao sẵn sàng đá đau, đá rát mình và có pha dứt điểm rất nhanh, rất gọn.

Mẫu trung phong như Trung Hậu ngày nay hay được các bình luận viên gọi là cầu thủ làm tường, nhưng ở ông Hậu đa năng hơn bởi khả năng di chuyển và tốc độ, đồng thời phối hợp rất ăn ý với đồng đội Hoàng “Lato” với những pha đập nhả và chuyền bóng ở cự ly trung bình.

Không chỉ hào hoa, lành tính và là cặp trung phong hay bị đá đau nhưng gần như không bao giờ phản ứng lại, họ cũng là cặp trung phong được người Sài Gòn tự hào khen về sự chung thủy với màu áo Công Nghiệp Thực Phẩm. Đó là thời điểm Công Nghiệp Thực Phẩm xuống hạng A2 và bất chấp sự lôi kéo của rất nhiều đội bóng nhưng bộ đôi Hoàng - Hậu vẫn kiên trì ở lại cùng đội trong những lúc khó khăn nhất để rồi kéo đoàn tàu Công Nghiệp Thực Phẩm trở lại hạng A1 toàn quốc năm 1983, sau trận quyết định thắng Công An Hải Phòng trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng). Đáng nói, đó lại là chiến thắng từ một bàn thắng của Trung Hậu ghi từ đường chuyền độc của Hoàng “Lato”.

Khi treo giày, nhiều cầu thủ xin đơn vị chủ quản cho vào biên chế làm việc nhưng ông Nguyễn Trung Hậu lại “về vườn” đúng nghĩa khi chọn Hồng Ngự (Đồng Tháp) làm nơi sinh sống và hướng hai người con trai của mình là Trung Vĩnh và Trung Tín theo nghiệp cầu thủ.

Tại Hồng Ngự, ông Hậu nhận được lời mời dẫn dắt đội bóng cấp huyện lên chơi ở giải A1 toàn quốc và là nguồn bổ sung đáng kể cho đội Đồng Tháp vô địch quốc gia những năm 1989, 1996.

Nếu đời cầu thủ của ông Hậu gắn bó với cái tên Công Nghiệp Thực Phẩm và thành danh cùng cái tên Hoàng “Lato” ăn ý với mình trên các sân cỏ cả nước thì hai con trai Trung Vĩnh, Trung Tín của ông lại bôn ba ở rất nhiều đội, từ Đồng Tháp sang Bình Dương, Gạch Đồng Tâm…

Nguyên Tổng bí Thư Nông Đức Mạnh động viên và chúc mừng HLV Nguyễn Trung Hậu khi dẫn dắt U-21 Gạch Đồng Tâm. Ảnh: TƯ LIỆU

Nguyên Tổng bí Thư Nông Đức Mạnh động viên và chúc mừng HLV Nguyễn Trung Hậu khi dẫn dắt U-21 Gạch Đồng Tâm. Ảnh: TƯ LIỆU

Nghiệp cầu thủ ông Hậu rất thành công và được người hâm mộ mến mộ bởi lành tính nhưng thi đấu rất hiệu quả và di chuyển không biết mệt thì sang nghiệp HLV, ông Hậu lại ít thành công ở những đội bóng lớn. Có lần tôi mang điều này hỏi chính ông thì ông chỉ cười trừ: “Cái số anh nó thế!”. Tuy nhiên, cũng với câu hỏi đó lại được nhiều HLV lão làng nói một cách đầy cảm thông và cả khen ngợi: “Đời cầu thủ, Hậu lì lắm, hậu vệ đá đau, đá láo cỡ nào, Hậu cũng chịu đau và không hề trả miếng, không hề tiểu xảo. Sang nghiệp HLV thì cái tính lành như cục bột và ít mưu mẹo đấy nên Hậu ít thích hợp với bóng đá đỉnh cao, mà lại phù hợp trong công tác đào tạo trẻ…”.

Các HLV kỳ cựu đã nhận xét không sai. Nghiệp HLV, ông Hậu rất thành công trong công tác đào tạo trẻ Đồng Tháp rồi sang Gạch Đồng Tâm, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước…

Ông Hậu ra đi ở tuổi 66 để lại nhiều tiếc nuối, đặc biệt ở những nơi ông từng ghi dấu giày thời hoàng kim với Công Nghiệp Thực Phẩm làm nên một phần của bóng đá Sài Gòn cùng tiếng tăm cặp trung phong Hoàng - Hậu.

Vĩnh biệt ông, một cầu thủ tài đức vẹn toàn mà nói như các đồng đội của ông ngày nào là “Hiếm một tiền đạo nào mà bị đá đau nhưng vẫn cắn răng chịu đòn rồi sau đó khiến các đối thủ phải sợ khi thấy anh ấy vượt qua tất cả để ghi bàn với những vết đau bầm dập”.

Cựu cầu thủ Nguyễn Trung Hậu sinh năm 1954.
Từ trần lúc 18 giờ ngày 19-5-2020.
Linh cữu quàn tại 210 lô V, chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10.
Động quan lúc 8 giờ ngày 22-5-2020, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ban Thể thao báo Pháp Luật TP.HCM xin chia buồn cùng hai cầu thủ Trung Vĩnh, Trung Tín và gia quyến.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/vinh-biet-cuu-trung-phong-tai-duc-nguyen-trung-hau-913835.html