Vĩnh biệt đồng chí Trần Quang Hiệu - một người cộng sản trung kiên, tận tụy, nghĩa tình
Vẫn biết tử sinh là quy luật của muôn đời và vẫn biết đối với một người già trên 90 tuổi mang trên mình nhiều bệnh tật từ những năm tháng bị đày đọa trong nhà tù Mỹ ngụy và kinh qua nhiều gian khó trong cuộc chiến tranh cứu nước như ông sẽ khó qua khỏi chứng tai biến mạch máu não mấy ngày trước đó, song khi được tin đồng chí Trần Quang Hiệu ra đi cũng gây trong tôi nỗi xúc động, bồi hồi.
1. Đồng chí Sáu Hiệu - người con của lũy thép kiên cường dưới chân đèo Cả - thuộc lớp cán bộ cùng thế hệ với ba tôi, tuy ông nhỏ hơn ba tôi 5-6 tuổi. Ngay từ lúc tôi còn công tác tại Sở Nông nghiệp Phú Khánh do thường về huyện Tuy Hòa công tác nên đã có nhiều lần được gặp ông - lúc đó ông là Phó Bí thư Huyện ủy - và được nghe nhiều anh em ở Tuy Hòa nói về ông. Từ đó tôi mới biết là ngay từ cuối giai đoạn chống Pháp, đang từ một cán bộ ở Tuy Hòa sau đó được cho đi học Trường Đảng Khu 5, ông được điều động ra tham gia công tác cải cách ruộng đất tại Thái Nguyên và các vùng tự do ở miền Bắc. Đến khi Hiệp định Geneve được ký kết, trong khi nhiều cán bộ tập kết ra Bắc (trong đó có vợ ông) thì ông lại được Đảng phân công ngược dòng về lại miền Nam công tác ở quê nhà Tuy Hòa, tham gia trấn an lòng dân và xây dựng cơ sở nòng cốt. Năm 1956, cơ sở bị lộ, địch bắt được ông đưa vào nhà tù và đánh đập dã man. Có lần chúng đưa ông lên chợ Phú Nhiêu trói giữa chợ để thị uy hòng làm giảm niềm tin của quần chúng vào cách mạng, nhưng bất ngờ là ông lợi dụng cơ hội này để kêu gọi bà con giữ vững niềm tin vào Bác Hồ, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào vùng này. Tinh thần đấu tranh kiên cường của ông trong các nhà lao đã làm các đồng chí trong tù kính nể, ông nhiều lần được bầu vào cấp ủy, bầu làm Bí thư chi bộ, riêng tại nhà tù Côn Đảo ông được bầu vào Thường vụ Đảo ủy. Đến năm 1964, sau khi đày đọa ông đến tàn tạ mà cũng không nhận được khai báo gì, chính quyền Mỹ ngụy phải trả tự do cho ông và trên đường về nhà ông được đồng đội bố trí đón thẳng ra căn cứ, về tham gia công tác ở Huyện ủy Tuy Hòa. Từ năm 1969 do sức khỏe quá yếu, ông đã được Đảng cho đi chữa bệnh và công tác ở miền Bắc đến 1975 mới được về lại quê hương công tác.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1978 trong một đợt về công tác ở Tuy Hòa tôi có gặp ông, thấy ông rất buồn, dáng vẻ hiu quạnh. Hỏi mấy anh em quen mới biết là vợ chồng ông vừa mới mất hai con nhỏ trong một tai nạn đáng tiếc, làm hai ông bà vô cùng hụt hẫng. Vậy mà ông vẫn chịu đựng, ngày đêm xông vào công tác để quên đi nỗi đớn đau, để vượt qua bi kịch cuộc đời. Tôi và một số anh chị em ở Tuy Hòa có ý nghĩ là cuộc đời hình như không được công bằng với một người đáng kính, chịu nhiều hy sinh gian khổ như ông.
2. Đến tháng 8/1986, tôi đang công tác tại Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Stung Treng - Campuchia với cương vị là Phó Bí thư chi bộ của đoàn chuyên gia và làm chuyên gia xây dựng ngành nông lâm nghiệp của tỉnh này, thì được đồng chí Trưởng đoàn là Huỳnh Trúc gọi lên phòng làm việc để trao đổi công việc. Hóa ra là một tin vui đối với tôi. Lẽ ra theo quyết định điều động đi K của tôi là tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm, nhưng lãnh đạo đoàn đánh giá tôi đã xây dựng khá tốt bộ máy cho Ty nông lâm Stung Treng, từ trưởng, phó Ty đến các phòng cơ bản đã triển khai được công việc quản lý ngành, nhất là đã xây dựng được và ra mắt Chi bộ Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (nay là Đảng Nhân dân) tại Ty nông lâm nên xem như tôi hoàn thành nhiệm vụ và đề xuất lên cấp trên cho tôi về nước sớm 1 năm. Đồng chí Huỳnh Trúc cũng cho tôi biết là đồng chí Sáu Hiệu - Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa - muốn xin tôi về huyện Tuy Hòa để đảm nhiệm trận địa nông nghiệp của huyện và hỏi ý kiến tôi về việc này. Thật không có gì vui hơn là được về quê công tác gần gia đình và hợp với ngành nghề đào tạo của mình, nên tôi đồng ý ngay. Sau đó, tôi được các cấp chuyển về Tuy Hòa công tác.
Thời gian công tác ở Tuy Hòa đối với tôi là những ngày rất bận rộn nhưng cũng rất hạnh phúc. Công việc phức tạp, địa bàn rộng với dân đông hơn 22 vạn người, là huyện trọng điểm của tỉnh Phú Khánh, nhưng nhờ tập thể lãnh đạo dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Sáu Hiệu luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau nên khi được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, tôi cũng có rất nhiều thuận lợi. Bây giờ nhớ lại thời ấy càng thấy quý trọng đội ngũ cán bộ ở huyện, ở các xã, các hợp tác xã nông nghiệp cũng như cán bộ ở các phòng chuyên môn huyện; nói chung đó là một đội ngũ có năng lực và trách nhiệm, sau này nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, lãnh đạo nhiều cơ quan của tỉnh. Được làm việc với đồng chí Sáu Hiệu, tôi càng thấy rõ được sự tận tụy trong công việc và sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dưới quyền của ông.
Sau khi được tham gia bộ máy lãnh đạo của huyện, tôi tự nhiên thấy bị áp lực vì việc họp hành của huyện. Đồng chí Sáu Hiệu có một đặc điểm là khi bàn công việc mà chưa đạt sự nhất trí tuyệt đối thì tiếp tục trao đổi cho đến nhất trí, dù chỉ còn một ý kiến khác nhau cũng phải bàn cho thống nhất. Có thời điểm mỗi tuần họp 6 đêm, đêm nào cũng đến 10 giờ. Hồi ấy, tôi cùng anh Ba Ngọc, anh Tư Giáo, anh Tám Hải có nhà ở thị xã, tối nào họp xong cũng cùng đi về, tôi có than thở là việc họp đêm quá nhiều thì mấy anh em cùng đi đều cười và nói rằng nay Bí thư có tiến bộ, trước đây tuần nào cũng họp 7 đêm, nên ai cũng nói lén là “ông Sáu Họp”. Sau này khi cương vị công tác lớn dần, càng nghĩ tôi càng thương sự tận tụy của ông, tuy có làm vất vả cho bản thân ông và tập thể lãnh đạo, nhưng anh em sau nhiều lần trao đổi sẽ hiểu nhau hơn, đồng thuận hơn, và như vậy khi triển khai công việc dễ có sự chia sẻ với nhau khiến công việc thuận lợi hơn.
Hồi ấy, đồng chí Sáu Hiệu thương tôi và cũng rất tôn trọng ý kiến của tôi trên lĩnh vực được giao phụ trách. Tôi nhớ có lần ông còn dặn anh Bốn Luôn (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban): Nếu trên lĩnh vực nông nghiệp mà đồng chí Lộc chưa nhất trí, thì nên bàn thêm chứ Ủy ban không được vội triển khai. Có thời điểm tôi đi họp Quốc hội (lúc đó tôi là đại biểu Quốc hội khóa VIII), do họp gần 3 tuần, ở nhà Thường vụ bàn sắp xếp lại giám đốc một đơn vị trong khối nông nghiệp, khi về nghe anh em báo lại tôi thấy bất lợi vì đồng chí giám đốc trước vừa ký kết một chương trình khá tốt, nếu đổi người sẽ rất khó triển khai do chưa hiểu nhau. Khi trực tiếp báo cáo đồng chí Sáu Hiệu, ông rất bất ngờ vì tưởng trước đó anh em Ủy ban đã bàn rồi và chắc là tôi đã nhất trí, không ngờ là tôi đi họp nên chưa biết, ông chỉ đạo tạm dừng quyết định này cho đến một thời điểm thấy hợp lý. Tôi cũng nhớ sau Đại hội IV (1986) Huyện Đảng bộ, tôi được phân công làm tổ trưởng xây dựng đề án Ba chương trình kinh tế theo Đại hội VI của Đảng. Sau khi cùng một số đồng chí như Thức, Khoán, Ngọc (có anh Năm Ưng dự) đi khảo sát chi tiết các địa bàn trong huyện, trên tinh thần đổi mới được Đại hội VI toàn quốc nêu ra, tổ công tác có xây dựng đề án Ba chương trình kinh tế của huyện trình cho Ban Thường vụ Huyện ủy, trong đó có nhiều chi tiết khác với nội dung Nghị quyết Đại hội IV Huyện Đảng bộ trước đó. Lúc đó, một số đồng chí trong Ban Thường vụ có băn khoăn, nhưng sau khi nghe tổ công tác trình bày rõ, thì đồng chí Sáu Hiệu rất quyết đoán kết luận: Chúng ta đã dựa vào tinh thần Nghị quyết Đại hội VI trung ương trong đó có nhiều tư tưởng đổi mới liên quan Ba chương trình kinh tế, nên tất nhiên phải có điểm khác so trước khi có Nghị quyết Đại hội VI. Đã giao cho tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án, nếu đúng tinh thần Nghị quyết trung ương rồi, thì chấp nhận cho triển khai thôi.
Tôi cũng nhớ việc thí điểm cải tiến công tác khoán trong nông nghiệp ở 2 HTX Hòa Bình 1 và Hòa Thịnh 4 (sau này xem lại có nhiều điểm giống như khoán sản phẩm trong Khoán 10) nhằm tìm cách phá vỡ sự trì trệ trong công tác quản lý HTX nông nghiệp. Lúc đó đang vào vụ đông xuân 1988, chưa có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (sau này gọi tắt là Khoán 10), khi tôi trình đề án trước Ban Thường vụ có nhiều đồng chí cũng băn khoăn, thì đồng chí Sáu Hiệu kết luận: “Đây chỉ là thí điểm ở 2 HTX, một HTX là đơn vị anh hùng Hòa Bình 1, còn HTX Hòa Thịnh 4 dân đang muốn trả ruộng cần sớm cải tiến quản lý, ta cứ làm nếu sau thấy có gì không đúng thì sẽ tập trung sửa. Có điều là làm thí điểm nhưng cũng phải báo cáo với Tỉnh ủy”. Sau khi báo cáo lên tỉnh, đồng chí Chín Cao - Bí thư Tỉnh ủy - dặn phải làm chặt chẽ thận trọng và vào cuối vụ ông trực tiếp về khảo sát ở Hòa Thịnh 4, Hòa Bình 1. Sau đó ông có khen là làm tốt, dân đồng tình nhưng ông cũng chỉ đạo là chưa được mở rộng, chỉ tiếp tục làm để có tổng kết chu đáo.
May là đến tháng 9 năm đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết 10 trong nông nghiệp, cho phép triển khai khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, huyện Tuy Hòa vì có 2 HTX thí điểm rồi, nên tập trung triển khai rất mạnh Khoán 10, đến đầu vụ đông xuân 1989 thì 34 HTX nông nghiệp đều triển khai xong, tạo một bước chuyển biến rất quan trọng trong nông nghiệp huyện. Sau kinh nghiệm này, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa cũng chỉ đạo đổi mới trong quản lý HTX thủy sản theo hướng xây dựng tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất theo đơn vị tàu thuyền, tiến tới không tập trung gom tàu thuyền vào HTX như trước.
Có thể nói vai trò của đồng chí Sáu Hiệu trong những vấn đề trên rất lớn. Nếu không có quyết tâm của ông, thì không đề án đổi mới nào có thể triển khai được trong thời điểm đó. Sau này nghĩ lại ông không phải là người am hiểu sâu về kinh tế nhưng dám chịu trách nhiệm những vấn đề trên là vì ông tin tưởng vào đồng chí, đồng đội của mình và luôn có khát vọng cho địa phương phát triển.
3. Đồng chí Trần Quang Hiệu là một người lãnh đạo luôn có sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ của mình. Thời điểm Đại hội III Đảng bộ tỉnh Phú Khánh, ông đang là Bí thư huyện ủy Tuy Hòa, có đủ điều kiện để tham gia Tỉnh ủy. Nhưng khi tổ chức hỏi ý kiến thì ông giới thiệu đồng chí chủ tịch huyện trẻ hơn mình gần 20 tuổi vào nhân sự Tỉnh ủy. Đến Đại hội IV tỉnh Phú Khánh, thì ông giới thiệu đồng chí Phó Bí thư trực Huyện ủy tham gia Tỉnh ủy. Nhiều năm làm Bí thư Huyện ủy một huyện trọng điểm nhưng không tham gia Tỉnh ủy, ngược lại đội ngũ cán bộ huyện Tuy Hòa dưới thời kỳ ông làm Bí thư sau này có sự trưởng thành vượt bậc, với 8 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy (trong đó có 2 Bí thư Tỉnh ủy), 3 đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và nhiều đồng chí là Tỉnh ủy viên, trưởng ban ngành của tỉnh.
Sau khi nghỉ hưu, sức khỏe rất yếu, nhưng ông vẫn nhận nhiệm vụ là Trưởng Ban liên lạc tù chính trị của tỉnh ở thời điểm mà anh chị em tù chính trị chưa có được một chế độ gì, với mong ước là được góp phần tác động cấp trên xây dựng được chính sách cho đội ngũ này. Mong ước đó của ông rồi cũng trở thành hiện thực trước khi ông thôi nhiệm vụ này để nghỉ ngơi. Trong những năm sau này, tôi thường đến thăm ông, ông rất mừng và hỏi thăm về những thành tựu mới của tỉnh, về người này, người khác trong đội ngũ cán bộ trước đây ở huyện Tuy Hòa. Đến lúc tai không còn nghe được, thì ông vẫn còn dùng bút để viết hỏi những điều ông quan tâm với một tư duy vô cùng minh mẫn. Đặc biệt là khi được biết huyện Đông Hòa đang chuẩn bị lên thị xã và huyện Tây Hòa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì ánh mắt ông trở nên vui vẻ khác thường. Tôi biết là ông đang phấn khởi vì tâm nguyện cả đời ông đối với một vùng đất Tuy Hòa vươn lên ấm no giàu mạnh đang trở thành hiện thực.
Nhớ lại và viết lại những ký ức trên về ông, tôi muốn trân trọng thắp lên một nén hương tiễn biệt ông về an nghỉ trong lòng đất mẹ. Xin vĩnh biệt ông - đồng chí Trần Quang Hiệu, chú Sáu Hiệu, anh Sáu Hiệu - một người cộng sản trung kiên, tận tụy, nghĩa tình.