Vĩnh biệt Jean-Luc Godard, đạo diễn huyền thoại người Pháp từng làm phim về Chiến tranh Việt Nam
Ngày 13/9, các phương tiện truyền thông đưa tin đạo diễn điện ảnh huyền thoại Jean-Luc Godard, người được coi là mở ra trào lưu Làn sóng Mới tại Pháp, đã qua đời ở tuổi 91.
Kênh France24, hãng tin AFP (Pháp) và tờ New York Times cho biết ông Jean-Luc Godard, “cha đẻ” của Làn sóng Mới ở Pháp. Ông Jean-Luc Godard, sinh ngày 3/12/1930, là một đạo diễn, nhà biên kịch và nhà phê bình phim người Pháp gốc Thụy Sĩ.
Là người đi tiên phong trong Làn sóng Mới, ông ủng hộ quan điểm mỗi đạo diễn mang lại một phong cách mới, một lối tư duy mới, phá vỡ những rào cản, lối mòn đã tồn tại quá lâu trong nền điện ảnh Pháp hồi thập niên 1960-1970.
Ông Godard nhận nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như Sư tử vàng, Gấu vàng, Cannes, Oscar danh dự, César danh dự… Ông cũng được biết tới là người say mê đọc Triết học Hiện sinh và Chủ nghĩa Mác.
Các tác phẩm thời trẻ của ông đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của điện ảnh Pháp nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Ông được đánh giá là một trong những đạo diễn điện ảnh có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Bộ phim đầu tay của Jean-Luc Godard là "À Bout de Souffle" (Nghẹt Thở) ra mắt năm 1960. Tiếp sau đó là hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như "Le Petit Soldat" (Chiến binh bé nhỏ), "Pierrot le Fou" (Gã điên Pierrot) và "Masculin, féminin" (Những Giấc Mơ).
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Jean-Luc Godard phải kể tới “Far from Vietnam” (tạm dịch: Ở xa Việt Nam). Đây là bộ phim tài liệu phản đối Chiến tranh Việt Nam được sản xuất bởi thế hệ những nhà làm phim thuộc thời kỳ Làn sóng Mới của điện ảnh Pháp, trong đó có Jean-Luc Godard, Chris Marker, Alain Resnais, Claude Lelouch, Agnès Varda và nhà làm phim người Mỹ William Klein.
“Far From Vietnam” đã thể hiện thái độ phản chiến một cách rõ ràng. Được trình chiếu lần đầu tại Liên hoan phim New York năm 1967, “Far From Vietnam” trở thành một trong những bộ phim tài liệu đầu tiên phản đối một cách trực diện cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.