Vĩnh biệt Lê Thiết Cương, người tài hoa mọi nhẽ

Với tôi. Bút pháp của Cương không cầu kỳ, cũng không chú trọng về kỹ thuật. Một bố cục đơn giản với những mảng lớn, ưu tiên khoảng trống. Đậm nhạt chuyển rất ít. Phẳng. Kiệm màu, ít nhân vật. Một mình một kiểu thể hiện. Xóa sạch yếu tố hiện thực mô tả. Cương thường nói: 'Tôi không vẽ cái mình thấy, tôi vẽ cái còn lại sau khi nhìn'.

Những năm 90 thế kỷ trước, dường như cả Hà Nội “sục sôi” với tranh của Cương. Nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương thì dành nhiều lời khen cho tranh của Cương, cho lối vẽ tối giản (minimalism).

Tôi biết Cương từ hồi đó. Tôi cũng học vẽ, nhưng càng học càng thấy khó, hội họa đã làm gục ngã không biết bao nhiêu người, kể cả những người đã tốt nghiệp những ngôi trường tên tuổi. Họa sĩ không có công chúng, không có những nhà sưu tập đồng hành thì rất dễ nản…

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Khi thấy Lê Thiết Cương thành công tôi nhận ra rằng, nghệ thuật có muôn ngàn lối, những gì đã được dạy ở trường, ở sách học xong, phải vượt qua đặt chân vào con đường mới của chính mình. Vấn đề ở chỗ, cái mới ấy sẽ tồn tại bao lâu. Làm thế nào để vừa thỏa mãn những thôi thúc tìm tòi của chính bản thân mình lại vừa chinh phục công chúng? Chinh phục được con mắt của những nhà sưu tập lành nghề?... Và tôi âm thầm dõi theo Lê Thiết Cương để học cách tồn tại của Cương.

Có lần, Cương bảo với tôi: “Em thích vẽ, thích văn từ nhỏ, ảnh hưởng nhiều từ ông nội và bố em (nhà thơ Lê Nguyên). Em cũng ảnh hưởng từ cụ Đặng Đình Hưng, cụ là hàng xóm, là bậc thầy của em về nhiều phương diện, cụ nói với em về tối giản… Và em cực kỳ tâm đắc”.

Với tôi. Bút pháp của Cương không cầu kỳ, cũng không chú trọng về kỹ thuật. Một bố cục đơn giản với những mảng lớn, ưu tiên khoảng trống. Đậm nhạt chuyển rất ít. Phẳng. Kiệm màu, ít nhân vật. Một mình một kiểu thể hiện. Xóa sạch yếu tố hiện thực mô tả. Cương thường nói: “Tôi không vẽ cái mình thấy, tôi vẽ cái còn lại sau khi nhìn”.

Với cách ấy, mỗi bức tranh của Cương là một câu chuyện, một nội tâm sâu thẳm được “kể” bằng màu và một lối biểu đạt dường như chưa từng có (ở Việt Nam). Một phong cách chịu ảnh hưởng Phật giáo và tư tưởng Đông phương nhưng được diễn giải qua góc nhìn nghệ thuật hiện đại, gợi nhớ đến các bậc thầy như Kazimir Malevich (họa sĩ người Nga), Ellsworth Kelly (họa sĩ người Mỹ) - tuy nhiên, khác biệt ở chỗ Cương mang nặng cảm thức Á Đông và đời sống làng quê, con người Việt Nam.

Cương cũng đặc biệt ở gam màu trung tính. Màu hay hình cũng chỉ gợi chứ không tả. “Chuyện của Lan” (24 bức tranh, tác giả vẽ trong hai năm 2004 và 2005) là một ví dụ, Lê Thiết Cương đã vẽ một câu chuyện quen thuộc của một thời, về sự điển hình trong cách sống, trong suy nghĩ, và trong số phận của một lớp người.

24 bức đó Cương chỉ thay đổi vị trí của mẫu, của màu và bố cục nhưng đủ kể như một cuốn tiểu thuyết. Kiệm đến từng chi tiết, nhưng các tác phẩm của Lê Thiết Cương níu chân người xem, bắt buộc họ phải suy ngẫm, nhưng đôi lúc, đơn giản chỉ là cảm nhận. Sự gợi cảm, tính triết lý là bí quyết thành công trong tranh Lê Thiết Cương. Trước sự tiết chế thái quá của nghệ sĩ, người xem dường như đã được bù đắp bằng những cảm xúc mãnh liệt sâu xa.

*

Cương sinh 1962, tuổi Dần, cái tuổi quyết liệt và chịu khó. Cương rời quân ngũ về học Đại học Sân khấu điện ảnh. 1991, Lê Thiết Cương đã có Triển lãm đầu tiên. Từ 1995 trở đi tranh của Cương được sưu tập rất nhiều. Có lẽ cái ngôn ngữ tạo hình “thuần Việt” mà hiện đại có chất thiền, chất dân gian, hơi hướng phương Đông - nhưng được diễn đạt bằng một hình thức tạo hình mang tinh thần hiện đại phương Tây đã tạo ra một sự thưởng thức hội họa mới, có một lượng công chúng mới.

Cách Cương sử dụng không gian âm (negative space), tiết chế đường nét, sự cô đặc của ý tưởng… khiến người xem bị lôi cuốn. Người sưu tập chuyên nghiệp thích cái mới lạ của Cương, công chúng bình thường mua tranh cảm thấy mình “có gu”, tranh của Cương rất dễ treo, lại dễ phối nội thất. Những bức tranh có chiều sâu triết lý nên từ trí thức đến doanh nhân thành đạt thời kỳ Đổi mới đều yêu thích. Những cây bút viết về hội họa cũng có “đất” để bình luận. Và càng nhiều bình luận thì tranh của Cương càng được vinh danh.

Có lẽ Cương là một trong những họa sĩ mua nhà phố cổ bằng tiền bán tranh. Nhưng lúc giàu cũng như lúc còn nghèo Cương vẫn là một kẻ vượt biển không mệt mỏi. Cái biển thách đố của sáng tạo. Có nhà ở phố cổ, Cương mở gallery (như Gallery 39), tự tổ chức triển lãm, chủ động tiếp cận thị trường, một điều khác với lớp họa sĩ cũ (quan niệm hữu xạ tự nhiên hương). Có thể nói Cương có khả năng tạo ra công chúng cho mình, một “thương hiệu nghệ sĩ” rõ ràng, và tài hoa thực sự.

Cương không chỉ là họa sĩ mà còn làm thơ, viết tản văn, viết báo, làm sân khấu, đạo diễn phim ngắn - tất cả đều mang dấu ấn nghệ thuật đồng nhất, một cách biểu đạt: tối giản. Cương viết gì cũng hay. Ngắn, hóm, và nhiều thông tin. Nhiều tạp chí và sách như “Nhà & Người” (gần 60 bài tản văn) đã xuất bản tác phẩm của Cương, chứa đựng những góc nhìn tinh tế về kiến trúc, nội thất, cuộc sống và nghệ thuật.

Phong cách của Cương được mô tả như một “giai điệu văn xuôi khác biệt”, pha trộn văn hóa, thẩm mỹ và trải nghiệm cá nhân. Cương còn có các tập như “Trò chuyện với hội họa” và “Trong hạt thóc có hạt gạo”, thể hiện sự chuyên sâu và nhất quán trong quan điểm nghệ thuật… Cái tên Lê Thiết Cương được định vị như một thương hiệu nghệ sĩ có cá tính. Cương mê âm nhạc và am hiểu nhạc cổ điển hàn lâm.

Tác phẩm điêu khắc cảm hứng Phật giáo và thiền định của họa sĩ Lê Thiết Cương, được ông đăng trên trang cá nhân năm ngày trước khi qua đời.

Tác phẩm điêu khắc cảm hứng Phật giáo và thiền định của họa sĩ Lê Thiết Cương, được ông đăng trên trang cá nhân năm ngày trước khi qua đời.

Trong một lần trò chuyện về âm nhạc, Cương bảo với tôi: tất cả Concerto số 1 đều là những tác phẩm hay nhất của các nhà soạn nhạc kinh điển thế giới mọi thời đại, khi chúng tôi cùng ngồi nghe nhạc ở nhà Cương, nơi có một dàn âm thanh, như Cương nói: “… định mang tiền đi mua ô tô nhưng qua nhà một anh bạn, thấy anh định bán “nó”, em mua luôn, thế là tan cái ôtô”… Nhưng Cương vẫn có ôtô. Mỗi lần vào nhà Nguyễn Huy Thiệp, Cương thường chở bạn bè trên chiếc xe ấy, rồi để xe ngoài cổng, đi bộ qua làng, xa đến mấy cây số.

Nhắc đến văn của Cương lại nhớ đến “Ăn và Nhìn” - một tập tản văn bàn về mỹ học trong ẩm thực và nghệ thuật, nơi món ăn, cái chén, cách bày biện đều được nhìn dưới lăng kính thẩm mỹ. Hoặc “Tản mạn” (xuất bản bởi Nhã Nam) - nơi anh kể về chuyện đời, nghệ thuật, tình bạn với các họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn - bằng một giọng rất riêng: vừa lạnh lùng vừa trìu mến. Đọc văn của Cương cũng thích như xem tranh của Cương vậy.

*

Lê Thiết Cương là người thành công. Người thành công thường bị cô đơn hoặc tự tạo ra cô đơn để đi một mình với thành công của mình, nhưng Lê Thiết Cương chơi bền bỉ với bạn bè mà anh yêu quý. Và mặc dù rất đáo để, bạo chê, “phang” thẳng cánh, có người ghét, nhưng Cương vẫn có rất đông những người vây quanh, thậm chí quý mến, ngưỡng mộ. Đáo để nhưng lại tận tình.

Cương giỏi cả các việc: Tổ chức triển lãm và xuất bản - nghệ thuật đa chiều, làm một giám tuyển, thiết kế sách, thiết kế đồ gia dụng và cả nhà xuất bản sách nghệ thuật. Cương tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và nhóm, nổi bật như: “Bóng và Hình” tại VCCA Hà Nội (2018): 22 tác phẩm sơn dầu, khắc họa những điều đời thường như phố, sông, đồ đạc; “Duyên” - triển lãm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh (8/2024): trưng bày tranh, tượng gốm-mosaic - phản ánh hơn 30 năm sáng tác; Triển lãm về “Chuyện ghế” (2001-2002): gồm 30 tác phẩm ghế sắt và gỗ cổ - đồng thời xuất bản cuốn sách chuyên đề; Tổ chức triển lãm tưởng niệm nghệ sĩ khác như Lưu Công Nhân, Đoàn Đức Hùng… với tư cách giám tuyển. Cương còn là người biên tập và viết lời cho các sách mỹ thuật - như “Nơi chốn đi và về”, “Thơ Gốm”, góp phần đưa nghệ thuật thị giác vào không gian xuất bản chất lượng…

Cương cũng là người có công đưa ra ý tưởng xuất bản các cuốn sách mỹ thuật độc lập, trong đó nổi bật là những cuốn sách thiết kế đẹp, in tinh tế về các họa sĩ Việt Nam hiện đại - như loạt sách về Trịnh Công Sơn, Lê Trí Dũng, Bùi Xuân Phái, Đặng Đình Hưng…

Anh từng nói: Nghệ sĩ mà không có sách, không có triển lãm, không có đối thoại thì chẳng khác gì cây mọc trong bóng tối. Cương cũng là người lo triển lãm cho người bạn đã mất, tự bỏ tiền in sách cho một họa sĩ vô danh, viết lời giới thiệu cho hàng chục nghệ sĩ trẻ. Cũng là người giới thiệu Triển lãm đầu tiên của tôi ở 16 Ngô Quyền. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, Lê Thiết Cương là người đầu tiên tổ chức một không gian tưởng niệm bằng nghệ thuật thị giác… Những năm gần đây Cương tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật hơn đóng góp cho cộng đồng một cái nhìn tích cực về đời sống văn học nghệ thuật…

*

Nhưng, cuộc chống chọi cuối cùng vừa qua với căn bệnh hiểm nghèo đã làm anh kiệt sức, buông xuôi, vào lúc 18h55 ngày 17/7/2025. Sự ra đi của anh là một cú sốc lớn không chỉ với bạn bè mà với đông đảo công chúng yêu hội họa. Không ai muốn tin. Niềm an ủi lớn nhất với sự mất mát này là, người đi xa nhưng tên người - Lê Thiết Cương và những tác phẩm của anh thì còn lại mãi với thời gian.

Trần Thị Trường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/vinh-biet-le-thiet-cuong-nguoi-tai-hoa-moi-nhe-i775967/