Vĩnh biệt 'Người kể chuyện Hà Nội bằng ảnh', nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018, người sở hữu kho ảnh quý về Hà Nội, đã từ trần vào sáng ngày 21/10 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng sinh năm 1918 tại Hà Nội, là cháu ruột của danh họa Lê Phổ. Năm 18 tuổi, tức năm 1936, Lê Vượng đã mua một chiếc máy ảnh có giá trị bằng một mảnh đất ở Hà Nội. Lúc đó, ông mua chiếc máy ảnh này để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương.
Sau chuyến đi dài, về đến Hà Nội, Lê Vượng vội vàng đi tráng phim, 3 cuộn phim đầu tiên trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia không được như ý. Nhưng đó lại gần như là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời ông. Ông bắt đầu say mê với nghệ thuật bằng ánh sáng và đã gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh cả đời.
Những năm 30 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh, Lê Vượng lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông đi lính, sống ở Thanh Hóa.
Dẫu vậy, khi có điều kiện, Lê Vượng lại lao vào ghi chép các tư liệu kháng chiến bằng ảnh. Tới năm 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, Lê Vượng là một trong những cán bộ đầu tiên của Bảo tàng.
Nhiệm vụ của ông là đi chụp ảnh, ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội và của cả Việt Nam. Trong suốt những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lê Vượng đã lao động miệt mài và tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ, lưu được hàng vạn cuộn phim tư liệu. Những tư liệu này được lưu giữ vĩnh viễn tại bảo tàng, là những di sản ký ức vô giá.
Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong khoảng 80 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã lao động miệt mài trên khắp nẻo đường và tạo ra một gia tài đồ sộ không chỉ những bức ảnh về cảnh sắc, văn hóa truyền thống, đời sống con người nước Việt mà còn của bao vùng đất trên thế giới mà ông đã có dịp đặt chân qua.
Bộ ảnh Những sắc màu dân tộc là một minh chứng. Nó được ông thực hiện trong gần 10 năm, với hơn 70 bức ghi lại những nét riêng độc đáo của 54 dân tộc Việt.
Năm 2016, ở ngưỡng “bách niên”, ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Phát biểu nhận giải, Lê Vượng xúc động: “Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và với tình yêu Hà Nội, tôi không thể dừng chụp ảnh”.
Năm 2018, Lê Vượng bước sang tuổi 100. Ông vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được thành phố Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú.