Vĩnh biệt nhà báo Trần Thị Thu Hà - nguyên phó Tổng biên tập báo Xây dựng: Chị như nắng ấm phương Nam
Tin nhà báo Trần Thị Thu Hà (Hà Trần) trở bệnh đột ngột qua đời khiến cho bạn bè, đồng nghiệp vô cùng bất ngờ, thương tiếc. Người đàn bà đầy năng lượng và nhiệt huyết ấy giờ như một cánh 'Bồng' giũ áo bụi trần, quyện vào gió, nương theo mây, đi vào chốn hư không, về miền cực lạc.
Chị lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối, không một câu giã biệt, bình thản chọn cho mình một chuyến đi xa, không trở lại, tránh mọi phiền muộn, vấn vương cho gia đình và những người thân quý để lại những tình cảm thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người.
1. Hồi tháng 3, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Xây dựng, chị cũng nao nức cả tuần trời đến ngày hội ngộ. Cái cảm xúc ấy, chỉ có thế hệ phóng viên thâm niên chị em mình mới hiểu được, bởi cả thanh xuân và sự nghiệp của chúng ta đã gắn bó, cống hiến và yêu thương tập thể này, như ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Không giống như mọi lần gặp trước, lần gặp này chị cứ bùi ngùi: “5 năm nữa, liệu có còn ai gặp lại ai???”. Em thì hiểu cảm xúc đó là khi chị vui gặp lại các thế hệ lãnh đạo Bộ và lãnh đạo báo từ thuở khai sinh tờ báo, đồng cam cộng khổ; gặp lại các cộng sự một thời chung một mái nhà, ngậm ngùi nhìn lớp phóng viên, cán bộ trẻ của báo mà nhiều người mới quá, chỉ biết chị qua lời giới thiệu.
Ai ngờ đâu, trong đó ẩn chứa cả những dự cảm không lành. Chị nói dạo này sức khỏe chị không tốt, lúc trước chị đầy năng lượng và thích đi bao nhiêu thì giờ đã ngần ngại nhiều. Chỉ những gì cực kỳ quan tâm, cực kỳ yêu thương chị mới ưu tiên. Chị tính ra Bắc chuyến này ngoài tham dự sự kiện thì tranh thủ ở lại chơi với đám em dại của chị ít ngày.
Chị nhắn cho em: “Anh Dũng (Tổng biên tập Nguyễn Anh Dũng) chu đáo lắm, nhưng chị muốn thanh toán tiền 2 ngày chị ở lại. Sếp lo bao việc lớn, lại còn bắt sếp chi cho cá nhân mình, chị xót lắm!”. Chị luôn là như thế, chủ động và sòng phẳng, chỉ sợ phiền người khác, kể cả những người thân thương như người bạn lớn, người anh, tri kỷ như anh Dũng.
Sau chuyến ra Bắc về, chị ốm một trận dai dẳng với những cơn mệt viêm phổi chuyển sang hen. Đã có lúc bác sĩ nghi chị có u khi chụp phim nhưng chụp cắt lớp và xét nghiệm lại không ra, chỉ thấy một phần phổi bị đông đặc. Trong năm 2023 này, chị em ít nói chuyện vì chị mệt mỏi triền miên, những lần chat đều là những lần chị kể về các trận ốm. Đó có thể là những cơn báo động đến bất ngờ với sốt cao, mồ hôi túa ra như tắm, rồi mệt lịm đi… Được gia đình chăm sóc, có bác sĩ túc trực kịp thời, nguy hiểm đi qua… Hóa ra, đó cũng là những tháng ngày cuối cùng của chị, để đến khi bác sĩ kết luận chính thức là bệnh phổi, có u giai đoạn cuối thì đã quá muộn rồi. Chị trở bệnh quá nhanh trong sự bàng hoàng tiếc thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
2. Bùi Thanh Nhàn bảo: “Chị gái chơi xấu quá, chưa gì đã rời bỏ đàn em, rời bỏ cuộc chơi”. Chúng tôi nhớ lại năm 1998, khi Báo Xây dựng mới kỷ niệm 1 năm ngày xuất bản số báo đầu, có một vị khách từ phương Nam lần đầu ra thăm báo. Tổng biên tập Kim Quốc Hoa đặc biệt quan tâm đón tiếp, còn tinh tế giao cho mấy phóng viên trẻ chúng tôi: Nguyên Hương, Thanh Nhàn, Mỹ Phượng, Vũ Tâm đưa chị đi chơi Hà Nội. Hóa ra, đó chính là kế sách chiêu dụ hiền tài của vị Tổng biên tập đa tài. Chị Hà bị thu hút bởi không khí ấm áp, tình cảm như một gia đình của tờ báo trẻ, sự cầu thị trân trọng của người anh lớn mời gọi… Và thế là chị quyết định dấn thân về với ngành Xây dựng, thành phóng viên của Văn phòng đại diện Báo Xây dựng tại TP.HCM - một miền đất và lĩnh vực cũng vô cùng mới mẻ với chị.
Chuyện cũ đã qua, chị Hà cũng không muốn nhắc lại cái thời bỡ ngỡ bước chân vào đất Sài Gòn lập nghiệp nữa. Sự nghiệp của chị nó cũng gập ghềnh giống như tính cách của chị, luôn thẳng thắn, độc lập, quyết đoán, không luồn cúi và nịnh bợ nên từ một phóng viên gạo cội đã có tới 11 năm công tác ở Đài Truyền hình Đắk Lắk mà “vua biết mặt, chúa biết tên”, chị bỡ ngỡ làm quen, khai mở những mối quan hệ đầu tiên của mình với tư cách phóng viên Báo Xây dựng. Đó là những ngày đơn độc giữa đất Sài Gòn, có cả những cay đắng, tủi nhục không biết tâm sự cùng ai. Chị lặng lẽ chấp nhận, không hơn thua, không giành giật, kể cả người khác hiểu nhầm cũng nín nhịn, không thanh minh.
Trong hành trình gần 20 năm gắn bó, cống hiến với Báo Xây dựng, dấu chân chị đã có mặt với rất nhiều công trình trọng điểm của đất nước, từ những nhà máy xi măng, thủy điện nơi rừng xanh núi đỏ đến các khu đô thị hiện đại, chứng kiến, phản ánh đầy đủ, chính xác sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, trở thành nhà báo có tên tuổi tại Viêt Nam về bất động sản nói riêng và ngành Xây dựng nói chung.
Và rồi, như là định mệnh sắp đặt, năm 2004, sau 5 năm thử thách, chị được lãnh đạo Báo Xây dựng bổ nhiệm làm Phó trưởng đại diện Báo Xây dựng tại TP.HCM. Năm 2006, thành Trưởng phòng đại diện văn phòng đại diện Báo Xây dựng tại TP.HCM.
Các thế hệ cán bộ phóng viên Báo Xây dựng của 10 - 15 năm về trước rất thích cảm giác thân quen, ấm áp mỗi khi có dịp vào TP.HCM. Bất cứ ai, khi vào đó, chỉ cần đến với văn phòng 14 Kỳ Đồng là chị Hà nhiệt tình đón tiếp, lo ăn lo nghỉ chu đáo, cảm giác như được về chính nhà mình. Nếu là đi công tác, chị nhiệt tình tạo điều kiện, dẫn dắt các mối quan hệ của mình. Nó thân thuộc đến nỗi, kể cả khi chị đã nghỉ chế độ thì cứ vào đến Sài Gòn, chúng tôi lại nhớ ngay đến chị, nhất định phải gặp chị. Cứ có sự kiện gì trong đó, nhất định phải đón mời bằng được chị đi chung vui, chứng kiến. Chúng tôi hồn nhiên đến vô tâm không biết được, có những buổi chị đã nén sự mệt mỏi để vui cùng cơ quan, để được gặp, được nhìn thấy mọi người, để được chụp với nhau những tấm ảnh kỷ niệm bên người bạn đồng niên, người anh đáng kính Nguyễn Anh Dũng, những đứa em yêu quý: Hà Hiền, Vũ Tâm…
3. Trong hành trang những thành tựu của Báo Xây dựng 25 năm trưởng thành và phát triển, không thể không tự hào mà nhắc tới những mốc son đặc biệt mà trong đó, thế hệ tiền bối như chị Hà Trần đã dày công sức gây dựng.
Tháng 9/2007, sự ra mắt của ấn phẩm Thị trường Đầu tư Xây dựng chuyên san BĐS Nhà và Đất của Báo Xây dựng xuất bản tại phía Nam ra mắt độc giả đã trở thành một hiện tượng của làng báo chí thời bấy giờ. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng biên tập báo Xây dựng lúc bấy giờ thì, đây là một kênh thông tin quan trọng góp phần thúc đẩy các chiến lược đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào địa ốc, kiến trúc nội thất, tài chính, chứng khoán, ngân hàng theo nguyên tắc “phản ánh trung thực - Phân tích khách quan - Nhận định chính xác” giúp các nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư trong tương lai. Đây cũng là nơi để độc giả tìm kiếm những thông tin mới trong lĩnh vực thông tin dự án, quy hoạch, đấu thầu…
Đây chính là những bước đi tiên phong của một tờ báo chuyên ngành tạo nên uy tín và thương hiệu cho Báo Xây dựng ở địa bàn sôi động như TP.HCM, bước ra khỏi vùng bó hẹp ngành mình để mở rộng sự ảnh hưởng của lĩnh vực xây dựng với toàn xã hội.
Và từ thành công này, lãnh đạo Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng đều thấy cần thiết có một Phó tổng biên tập phụ trách phía Nam. Năm 2011 cho đến khi nghỉ chế độ chính sách 2018, chị Trần Thị Thu Hà giữ vị trí Phó tổng biên tập phụ trách phía Nam, gây dựng đội ngũ phóng viên kiên trì, bền tâm vững chí gắn bó với Báo Xây dựng, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất. Có những thời điểm, thế mạnh đồng đều của các cán bộ phóng viên văn phòng Đại diện phía Nam được Ban biên tập ghi nhận là một tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc cách vượt rào giới hạn chỉ tiêu vì… quá xuất sắc, không chỉ đóng góp một lượng tin bài chất lượng mà còn tạo nên nguồn thu đáng kể cho báo từ hoạt động truyền thông, quảng cáo.
Từ sự kèm cặp nâng đỡ của chị, nhiều thế hệ phóng viên đã trưởng thành, giữ nhiều vị trí quan trọng tại cơ quan Báo Xây dựng cũng như các cơ quan báo chí khác.
4. Có ai đó nói rằng “Một phụ nữ thành công thường cô đơn theo 2 dạng thường gặp. Một là: Cô đơn vì chưa tìm được người xứng đáng để ở bên; Hai là có thể họ cô đơn trong chính mối quan hệ của mình”. Với chúng tôi, chị Hà là người phụ nữ độc thân, độc lập nhưng không cô đơn. Chị là hình ảnh phụ nữ mà nhiều người đi quá nửa đời chợt nhận ra chỉ ao ước được sống như vậy: Dám yêu như là sống và sống để yêu thương!
Trong giờ phút ly biệt này, xin mượn lời nhà báo Mai Thanh để nói rằng, chợt nhận ra trong cuộc đời này, ngoài người thân yêu trong gia đình thì có những người dẫu không là ruột thịt nhưng sự ra đi của họ để lại sự trống vắng và nỗi buồn thật lớn!
Mãi thương nhớ chị, yên nghỉ nhé Hà ơi!