Vĩnh biệt nhà tình báo huyền thoại Mười Hương

Ngày 11-6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã từ trần.

“Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 10 giờ 10 phút, ngày 11-6-2020 tại BV Thống Nhất, TP.HCM” - thông báo viết.

Ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương) tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh ngày 20-12-1924 (97 tuổi) tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi bước sang tuổi 19. Ông là cán bộ được tôi luyện, thử thách và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù ông Trần Quốc Hương giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng ông được người dân nhắc đến nhiều hơn cả trong vai trò là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Tên tuổi của ông Mười Hương gắn liền với nhiều chiến công trên mặt trận thầm lặng, người đóng vai trò bảo vệ cho tướng tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bìa trái) trong một lần đến thăm, chúc tết ông Trần Quốc Hương, sáng 23-1-2009. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bìa trái) trong một lần đến thăm, chúc tết ông Trần Quốc Hương, sáng 23-1-2009. Ảnh: TTXVN

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, đây là thời kỳ cực lỳ khó khăn đối với việc xây dựng lực lượng và hoạt động tình báo. Nhiều cán bộ chủ chốt như ông Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm... đều đã bị lộ vì địch đã biết mặt. Với lợi thế ban đầu địch chưa biết nhiều về mình, ông Mười Hương đã cùng tổ chức tích cực xây dựng lực lượng, xây dựng mạng lưới và đưa được các điệp viên vào Nam hoạt động. Ông trực tiếp chỉ huy các nhà tình báo tên tuổi như Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Đại tá Lê Hữu Thúy, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn...

Nhiều lần các nhà báo đến gặp, ông Mười Hương đều rất ít nói về mình mà dành hết tình cảm cho những nhà tình báo mà ông gây dựng nên. Ông coi họ như anh em, như người thân của mình. Cái tài của ông Mười Hương là biết cách giúp các nhà tình báo luôn yên tâm khi nằm sâu trong “hang hùm, miệng sói”, hòa mình trong “bóng tối” để thực hiện nhiệm vụ. Để giữ an toàn tuyệt đối cho các nhà tình báo, ông cũng bị bắt giam sáu lần qua những khu biệt giam ghê rợn nhất, tàn bạo nhất.

Không chỉ góp công tạo nên những nhà tình báo huyền thoại, nhiều người còn đánh giá ông Trần Quốc Hương ở nhân cách sống. Ông kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, hành động sai trái của người khác. Đồng thời kiên trì bảo vệ, minh oan cho những người bị xử lý sai không đúng hoặc quá mức.

Với nhiều chiến công đặc biệt, ông Trần Quốc Hương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như huân chương Sao Vàng, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/vinh-biet-nha-tinh-bao-huyen-thoai-muoi-huong-918078.html