Vĩnh biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương - 'cây đại thụ' của âm nhạc Việt Nam

Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là sự mất mát lớn của gia đình, bạn bè, khán giả và nền âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác đầy ắp bản sắc văn hóa Việt, tình yêu thương con người, quê hương, đất nước của ông sẽ mãi trường tồn với thời gian.

Từ anh sinh viên Sư phạm thành nhạc sĩ tài ba

Nhạc sĩ Phó Đức Phương SN 1944 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ ông đã rất yêu thích thi ca nhưng lớn lên lại thi và học khoa Toán Lý của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tại ngôi trường này, ông có người bạn thân là nhạc sĩ Dương Thụ. Hai người trở thành bạn tri kỷ, thường xuyên hát cho nhau nghe và chia sẻ với nhau về âm nhạc. Năm 1965, niềm đam mê với âm nhạc quá lớn đã khiến chàng sinh viên Phó Đức Phương quyết tâm bỏ dở ngôi trường mình đang theo học để thi đỗ vào trường Âm nhạc Việt Nam với số điểm khá cao.

Trước đó, ông có khoảng thời gian làm việc tại một nông trường tại tỉnh Hòa Bình và thu lượm được rất nhiều nguồn cảm hứng sáng tác. Đây cũng được cho là quãng thời gian tác động nhiều đến những sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Nhờ những năm tháng lao động hăng say nên những ca khúc của ông đầy ắp âm hưởng hào hùng, hừng hực khí thế lao động, tình yêu thương con người, niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống. Một trong những ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác là “Những cô gái quan họ” mang âm hưởng trữ tình, đậm nét văn hóa của đồng bằng Bắc bộ.

Sau này, ông sáng tác rất nhiều ca khúc, trở thành những ca khúc bất hủ của kho tàng âm nhạc Việt Nam như Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Về quê, Vũ khúc con cò… Tính đến nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương có hàng trăm ca khúc được khán giả nhiều thế hệ yêu thích. Mỗi ca khúc được nhạc sĩ Phó Đức Phương kể lại bằng chất liệu âm nhạc đầy màu sắc, thi vị, giàu hình ảnh.

Đặc biệt, nhạc sĩ gạo cội thường bắt đầu ca khúc của mình bằng điển tích, điển cố, những hồn cốt của văn hóa dân tộc… Với giai điệu âm nhạc trúc trắc, đánh đố nhiều giọng ca, kể cả những ca sĩ có giọng hát “khủng”.

Ông luôn hướng đến sự chắt lọc chi tiết đắt giá trong các tác phẩm của mình. Những ca khúc của ông đã tạo nên tên tuổi của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam như Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Linh, Đức Tuấn, Minh Thu… Nhiều ý kiến nhận định những ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương chính là thước đo tài năng của các ca sĩ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu

Vị nhạc sĩ khó tính, tận tụy với nghề, với hậu bối

Có lẽ, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong số rất ít nhạc sĩ thường thị phạm, nhận xét điều được và chưa được của các ca sĩ nổi tiếng làng nhạc, thậm chí là diva, divo khi họ hát những sáng tác của ông. Hài lòng về sự máu lửa, giọng hát đi vào lòng người của các hậu bối nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương không quên chỉ ra sự thiếu hụt của các ca sĩ.

Ví như Mỹ Linh hát bài “Trên đỉnh Phù Vân” lại luyến láy mấy câu đầu như kiểu ca trù. Tùng Dương cũng chưa làm đến tận cùng khi tự thu ca khúc “Bên dòng sông Cái”. Còn Thanh Lam lại bỏ qua một số chi tiết đắc ý của ông trong các ca khúc “Không thể và có thể”, “Một thoáng Tây Hồ”. Ca sĩ Thanh Lam từng chia sẻ: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương là dân toán học nên những tác phẩm của ông có cấu trúc rất chặt chẽ.

Ông thường tính toán hết đường đi nước bước trong các ca khúc và muốn các ca sĩ chỉ đi theo bản đồ mà ông đã dựng”. Còn nữ ca sĩ Minh Thu thì có lần phát khóc khi luyện tập ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương vì ông quá nghiêm khắc. Trong khi hát, Minh Thu luôn tuân thủ “hát đúng trước, sáng tác sau” để không bị chệch hướng của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Nhưng sau tất ca, các ca sĩ đều hiểu ra sự tỉ mỉ, khắt khe của nhạc sĩ Phó Đức Phương chính là để tốt cho họ nên ai cũng tâm phục khẩu phục vị tiền bối gạo cội.

Với những cống hiến lớn lao cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, năm 2001, nhạc sĩ Phó Đức Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.

Không chỉ sở hữu gia tài khổng lồ các ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn tốn nhiều công sức để lập nên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vào năm 2002, đảm nhiệm cương vị GĐ trong suốt 16 năm. Với công việc nào ông cũng tận tụy, say mê hết mình. Phong cách làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu và nghiêm khắc của ông đã góp phần xây dựng làng nhạc Việt văn minh hơn, đặc biệt là vấn đề tác quyền của ca, nhạc sĩ.

Tháng 4 năm nay, ông được bác sĩ chuẩn đoán bị ung thư tụy khá nặng. Gia đình gấp rút đưa ông vào viện điều trị. Nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, chiến đấu với bệnh tật. Thậm chí, ông vẫn còn thị phạm cho các ca sĩ biểu diễn trong đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” của mình vào tháng 7 vừa qua.

Đêm nhạc này chính là món quà mà gia đình và các nghệ sĩ muốn dành tặng cho ông như lời tri ân những ân tình của ông dành cho âm nhạc Việt Nam cũng như sự nghiệp của họ. Những tình cảm chân thành của ông đối với nghề, với hậu bối càng khiến khán giả cảm thấy yêu thương, trân trọng và nể phục.

Ngày 19-9, nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ của ông sẽ diễn ra từ 11g30 đến 13g45 ngày 24-9 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sự ra đi của ông là sự mất mát rất lớn đối gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả cũng như nền âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác bất hủ của ông cùng tình yêu mà khán giả dành cho ông sẽ sống mãi với thời gian, trong lòng nhiều thế hệ khán giả, nghệ sĩ hôm nay và mai sau.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vinh-biet-nhac-si-pho-duc-phuong-cay-dai-thu-cua-am-nhac-viet-nam-210810.html