Vĩnh biệt nhạc sĩ Văn Ký - tác giả 'Bài ca hy vọng'
Nhạc sĩ Văn Ký, tác giả ca khúc 'Bài ca hy vọng' đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 26/10 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, thọ 92 tuổi.
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1/8/1928 tại Nam Định. Ông nổi tiếng với các ca khúc: Bài ca hy vọng, Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh... Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký có những khởi nguồn rất riêng.
Với ca khúc "Bài ca hy vọng", ông sáng tác vào mùa xuân năm 1958. Nhớ lại hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nổi tiếng này, nhạc sĩ từng cho biết, mỗi ca từ của bài Bài ca hy vọng được bật ra trong ông một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, ông cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ.
"Thậm chí tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh… Vài tháng sau tôi mang đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời.
Tôi đọc lại bản nhạc của mình, nhưng thấy không thể khác được nên đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc bố trí để tôi trực tiếp dàn dựng. Đó là thời kỳ đất nước hai miền bị chia cắt, phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ…
Nhưng chính chân lý “Việt Nam nhất định thắng” và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã khiến cho “Bài ca hy vọng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện được tầm cao tư tưởng và có sức cổ vũ lớn lao, hướng công chúng vươn tới cái đẹp", nhạc sĩ Văn Ký từng cho biết.
Bên cạnh các ca khúc trữ tình về tình yêu, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về các tỉnh, thành như Nha Trang mùa thu lại về, Nhớ Nha Trang, Nam Định yêu thương, Vũng Tàu bến vui, Nhớ Đồng Nai, Tôi yêu Ban Mê, Nụ cười Sài Gòn, Kỷ niệm An Khê, Gia Lai thân yêu, Chuyện tình Mũi Né...
Ngoài ra, nhạc sĩ là tác giả vở ca kịch Nhật ký sông Thương, Đảo xa, nhạc phim Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17...
Ông tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng được trao Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng ba và được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.
Dự kiến, tang lễ của nhạc sĩ Văn Ký sẽ tổ chức tại nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vinh-biet-nhac-si-van-ky-tac-gia-bai-ca-hy-vong-post448263.antd