Vĩnh biệt NSND Thế Anh - hoàng tử màn bạc
NSND Thế Anh qua đời 5h30 sáng 29/9 ở tuổi 81, khép lại cả đời hào hoa trên sân khấu và màn bạc.
Về hai vai đinh
Suốt gần 60 năm làm nghề, NSND Thế Anh kinh qua đủ dạng vai từ chính diện, phản diện, kể cả đóng người nước ngoài trên cả sân khấu lẫn màn ảnh. Khi nhắc lại kỷ niệm phim Mối tình đầu in trên Tiền Phong số đặc biệt dịp 30/4/2013, ông khẳng định: “Trong cuộc đời làm phim của tôi có hai phim nổi tiếng nhất - Nổi gió và Mối tình đầu (1977). Làm xong Nổi gió người ta gọi tôi là trung úy Phương, sau Mối tình đầu người ta gọi tôi Ba Duy”. Gia tài nghệ sĩ gạo cội ấy cỡ sáu chục phim, nhưng ông lấy hai tên nhân vật đóng đinh này đặt tên cho hai người con trai Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Thế Duy.
Thế Anh được nghề chọn. Chàng trai sinh năm 1938 tại Từ Liêm trong gia đình khá giả, mẹ tháo vát buôn bán, bố sang Pháp học bác sĩ. Ban đầu ông theo học toán tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng nghề diễn viên lại chọn Thế Anh - trúng tuyển khóa diễn viên trường Nghệ thuật Sân khấu (ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) cùng lứa nghệ sĩ gạo cội sau này như các NSND Trần Tiến, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Doãn Châu, Mỹ Dung.
Tốt nghiệp loại ưu với vai sĩ quan Mỹ trong vở Đêm đen, năm 1964 Thế Anh về Đoàn Kịch nói Trung ương. Hai năm sau Thế Anh lọt mắt xanh của đạo diễn Huy Thành, nhận vai trung úy Phương trong phim Nổi gió. Bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam xoay quanh cuộc chiến chống Mỹ. Trung úy Phương là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, chị gái Vân (Thụy Vân) lại tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau nhiều năm xa cách hai chị em đoàn tụ, nhưng ngay khi nhận ra hai chị em ở hai phía chiến tuyến, chuỗi bi kịch bắt đầu.
Trung úy Phương của Nổi gió là mảnh đất màu mỡ cho Thế Anh thỏa sức sáng tạo. Một chàng trai trẻ được chế độ Cộng hòa cưng chiều, gương mặt sáng và nụ cười hiền nhưng ẩn sâu bên trong là nội tâm day dứt, u uẩn. Thế Anh biết tận dụng lợi thế của nụ cười, ánh mắt để ghim hình ảnh Phương lên màn ảnh. Đó là những phân đoạn Phương đấu tranh nội tâm giằng xé, buộc phải lựa chọn giữa việc treo cổ chị gái ruột để lên chức hay bước sang cùng phía với chị gái và cách mạng.
Nổi gió sau này giành Bông sen Vàng đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, vai Phương nhanh chóng đưa tên tuổi Thế Anh lên tầm mới, được mời tham gia nhiều vở diễn và bộ phim kinh điển. Mối tình đầu năm 1977 lại là dấu mốc khác trong sự nghiệp diễn xuất của ông, cũng là bước ngoặt để ông chuyển hẳn vào phía Nam sinh sống.
Mối tình đầu là phim đầu tiên làm tại Sài Gòn sau giải phóng. Đạo diễn, NSND Hải Ninh thân chinh dẫn cả đoàn phim Nam tiến, ngoài Thế Anh có Trà Giang, Như Quỳnh. Thế Anh dù khi này gần 40 tuổi vẫn được chọn vai đóng cậu sinh viên thư sinh đôi mươi. Mối tình đẹp với cô gái Diễm Hương (Như Quỳnh) tan vỡ. Hương bị ép kết hôn với một tay cố vấn Mỹ, cũng vì thế Ba Duy bỏ học, nghiện ngập và đi vào con đường bụi đời, sau này được chị Hai Lan (Trà Giang) giải thoát khỏi con đường lầm lạc.
Nghi ngại ban đầu rằng cho diễn viên miền Bắc đóng chàng bụi đời miền Nam không hợp nhanh chóng qua đi. Thế Anh có cả tháng trời lăn lộn ở đất Sài Gòn thâm nhập cuộc sống, được anh chị em cho lui tới nhiều chỗ ăn chơi. Thế Anh mày mò học chút võ vẽ, rồi làm quen với cán bộ trại cai nghiện Fatima để nghiên cứu những con nghiện vật vã chẳng khác nào con thú. Những trải nghiệm đời sống ấy được Thế Anh chuyển hóa nhẹ nhàng, tự nhiên trong phim. Vai Ba Duy mang về cho ông giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
Một đời hào sảng
NSND Thế Anh và NSND Đoàn Dũng, đôi bạn thân như hình với bóng, xuất thân từ Nhà hát Kịch Việt Nam vào phía Nam tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Tháng 9 năm ngoái NSND Đoàn Dũng bỏ lại ông bạn thân Thế Anh ở lại với đời, người ở lại vì thế cũng suy sụp không hề nhẹ. Những tháng ngày cuối đời, ông chống chọi với bệnh tai biến, sức khỏe suy yếu.
NSƯT Thu Hà (Người mẹ trước vành móng ngựa, Bà tỷ phú về thăm quê…) đánh giá NSND Thế Anh là “nghệ sĩ năng động” khi còn ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông chính là một trong những người đầu tiên đưa nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam lưu diễn miền Trung thành công. Thế Anh không chỉ là nghệ sĩ giỏi nghề, mà theo đánh giá của NSƯT Thu Hà “còn là người có tố chất lãnh đạo nhưng không gặp thời”.
Cả đời Thế Anh không thiếu thốn tiền bạc bao giờ, có lẽ vậy nom ông khi nào cũng thư thái, trẻ trung với nụ cười sảng khoái hệt người bạn thân Đoàn Dũng. NSND Trung Anh kể, khoảng đầu những năm 1980 anh vào Đà Nẵng làm phim Đứa con và người lính cùng nghệ sĩ Thế Anh. “Hai chú cháu ở chung phòng. Chú là thế hệ đi trước và khi ấy là ngôi sao sáng nhất điện ảnh rồi, không ngờ giản dị và chan hòa thế. Tôi thời thanh niên quen nếp dậy muộn, còn chú sáng sớm dậy rửa chén pha trà gọi thằng cháu dậy uống cùng, khiến tôi cũng phát ngượng”, Trung Anh kể.
Nhiều nghệ sĩ lừng lẫy một thời dần dần thờ ơ với thời cuộc. Đôi bạn Đoàn Dũng-Thế Anh khác hẳn. Hầu như không liên hoan phim, liên hoan sân khấu nào vắng mặt họ. Còn nhớ tại Đại hội Điện ảnh khóa 8 năm 2015, hỏi Thế Anh có quan tâm bầu bán không, ông vẫn nồng nhiệt theo dõi, sau thấy kết quả bầu vẫn nhiều gương mặt cũ trong Ban chấp hành Hội điện ảnh VN “nguyễn y vân thì cũng buồn”. LHP Quốc tế Hà Nội 2018, Thế Anh vẫn bay ra Hà Nội hội ngộ bạn hữu, đồng nghiệp.
Cả đời Thế Anh không thiếu thốn tiền bạc bao giờ, có lẽ vậy nom ông khi nào cũng thư thái, trẻ trung với điệu cười sảng khoái hệt người bạn thân Ðoàn Dũng. NSND Trung Anh kể, khoảng đầu những năm 1980 anh vào Ðà Nẵng làm phim Ðứa con và người lính cùng nghệ sĩ Thế Anh. “Hai chú cháu ở chung phòng. Chú là thế hệ đi trước và khi ấy là ngôi sao sáng nhất điện ảnh rồi, không ngờ giản dị và chan hòa thế. Tôi thời thanh niên quen nếp dậy muộn, còn chú sáng sớm dậy rửa chén pha trà gọi thằng cháu dậy uống cùng, khiến tôi cũng phát ngượng”, Trung Anh kể.