Vĩnh biệt PGS.TS.TTND Trần Chí Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Trọn đời vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân
PGS.TS Trần Chí Liêm đã góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, để Bộ Y tế tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân mang tầm chiến lược.
PGS.TS Trần Chí Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (sinh ngày 27/2/1951) từ trần ngày 12/11/2024. Sinh thời, PGS.TS Trần Chí Liêm từng giữ các chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Kiên Giang; Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang (Tỉnh ủy viên). Năm 1999, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế (1999-2010), đồng thời là Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM thời điểm đó.
Với 74 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục từ trong vùng căn cứ U Minh thượng (1960) đến khi nghỉ hưu (2017), Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS), Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm đã dành trọn đời mình đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học thiết thực, hiệu quả phục vụ cho sự phát triển nền y học hiện đại nước nhà.
Báo Sức khỏe và Đời sống xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang (quê nhà của PGS.TS.TTND Trần Chí Liêm) như một sự tri ân, tưởng nhớ tới đồng chí nguyên lãnh đạo ngành luôn tận tâm, tận sức vì nền y tế nước nhà.
Cách đây vài tháng tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm, người mà chúng tôi cũng anh em trong ngành y tế Kiên Giang thường gọi cái tên thân mật "Anh Hai Liêm". Lần trò chuyện qua điện thoại này, anh Hai vui vẻ nói "Anh khỏe…" và anh vẫn cười "sảng khoái" qua điện thoại như những lần trò chuyện trước đó, và đây cũng là cuộc điện thoại cuối mà Anh Hai trò chuyện với tôi.
Sáng sớm ngày 13/11/2024, bác sĩ Lê Xuân Thái - Nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kiên Giang gửi qua Zalo cá nhân tôi, báo tin "Anh Hai Liêm" đã mất vào trưa ngày 12/11 tại TPHCM, hưởng thọ 74 tuổi.
PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm, sinh ngày 27/02/1951, quê quán xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá nay là tỉnh Kiên Giang, trong gia đình có truyền thống cách mạng vùng căn cứ U Minh Thượng (Kiên Giang). Gia đình, dòng tộc của ông đều là những cán bộ, chiến sĩ cách mạng, từng tham gia kháng chiến qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ ngay trong vùng căn cứ U Minh Thượng. Thân sinh PGS.TS Trần Chí Liêm là Trần Quyết Chiến, từng giữ chức Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêmtham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Mới lên 9 tuổi (1960), Trần Chí Liêm tham gia trong Đoàn ca múa nhạc tại quê nhà và học văn hóa do tỉnh Rạch Giá tổ chức. Tháng 6/1967 (16 tuổi), chàng trai trẻ Trần Chí Liêm được tổ chức giao nhiệm vụ làm cán bộ y tế với công việc chính là cứu thương tại Trạm y tế xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, sau đó là cán bộ Quân y viện An Biên.
Kể từ đây đến khi cuối đời, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm làm việc trong ngành y tế và có sự đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ chuyên khoa II Trần Chí Liêm từng giữ các chức vụ: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Kiên Giang; Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang (Tỉnh ủy viên). Năm 1999, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế (1999-2010), đồng thời là Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM thời điểm đó.
Trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Trần Chí Liêm từng tham gia công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế tại nhiều trường đại học chuyên ngành y, dược trong nước. PGS.TS Trần Chí Liêm là Đại biểu Quốc hội khóa IX nhiệm kỳ 1992-1997 và Đại biểu Quốc hội khóa X, nhiệm kỳ 1997-2002 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa X.
Theo Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 4/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Trần Chí Liêm thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế từ ngày 01/3/2010 để chuyển sang làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Hơn 6 năm sau, theo Quyết định số 190/QĐ-TTg, ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp được nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 01/2/2017.
Làm tròn trách nhiệm là người đại diện nhân dân trong suốt 10 năm làm Đại biểu Quốc hội khóa IX, nhiệm kỳ 1992-1997 và khóa X, nhiệm kỳ 1997-2022 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và với cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế (1999-2010), chuyên gia cao cấp của Chính phủ (2010-2017), PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm luôn có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc, tìm hiểu nguyện vọng của cử tri trong tỉnh, trong nước.
Đặc biệt, trong những chuyến đi cơ sở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, PGS.TS Trần Chí Liêm đã góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, để Bộ Y tế tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân mang tầm chiến lược.
Trong những lần tiếp xúc cử tri Kiên Giang hay làm việc với chính quyền các tỉnh, đặc biệt là các cơ sở y tế, cơ sở điều trị, PGS.TS Trần Chí Liêm luôn quan tâm tìm hiểu, chia sẻ những khó khăn của địa phương và cán bộ y tế cơ sở; luôn trăn trở với đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở tuyến huyện, xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đó cũng là một trong những lý do mà PGS.TS Trần Chí Liêm tâm huyết thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ yêu cầu phát triển nền y học hiện đại nước nhà theo các Nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh "Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng".
Trong đề tài "Nghiên cứu thực trạng nhân lực và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" từ năm 2014 đến 2016, PGS.TS Trần Chí Liêm (chủ nhiệm đề tài) cùng các công sự tập trung phân tích so sánh việc thực hiện và khả năng thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu với những nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu do Tổ chức Y tế thế giới đề xuất năm 2008 tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đề xuất giải pháp khả thi để thực hiện những khuyến cáo về nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu do Tổ chức Y tế thế giới đề xuất. Chính đề tài nghiên cứu này, góp phần quan trọng trong lý luận và thực tiễn, làm cơ sở khoa học đề xuất các chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân mang tầm chiến lược trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng và cả nước.
Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trần Chí Liêm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì; Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và được trao thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế và các đồng chí, đồng nghiệp cùng các cộng sự trong nghiên cứu khoa học của ông đều có chung nhận xét: PGS.TS Trần Chí Liêm luôn là vị lãnh đạo gần gũi, thân thương, sâu sát, hòa đồng.
Đặc biệt, trong 2 khóa làm đại biểu Quốc hội với 10 năm gần dân, đại biểu Trần Chí Liêm luôn có tiếng nói chia sẻ tâm tư, tình cảm của cử tri, kiên quyết bảo vệ quyền lợi thiết thực của người dân, được đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân yêu mến, kính trọng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc".