Vĩnh biệt Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu

Ngày 23-1, Giáo sư (GS), Viện sĩ (VS) Nguyễn Văn Hiệu qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị ở tuổi 84 do bệnh nặng. Ông là nhà khoa học tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam.

Đam mê nghiên cứu khoa học

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21-7-1938, tại làng Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình ông tản cư về một làng ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, ông xin vào làm thợ phụ trong một xưởng dệt kim của một người đồng hương và nuôi ý định khi kháng chiến thắng lợi sẽ xin vào học một trường đại học về kỹ thuật.

Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ông cùng với gia đình trở về Hà Đông. Khi đó, tại Hà Nội, chưa có trường đại học về kỹ thuật, ông thi vào Trường Đại học Sư phạm Khoa học và học ngành vật lý. Năm 1956, sinh viên Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, sau đó trở thành cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 1960, 22 tuổi, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (Liên Xô)-một trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ. Năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Markov. Và một năm sau, ông tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Logunov.

 Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Năm 1968, khi mới 30 tuổi, TS Nguyễn Văn Hiệu được công nhận chức danh giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov. Năm 1969, GS Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, Chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học.

Ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý (một trong hai viện đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và là thành viên của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông là viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.

Nhà quản lý của nền khoa học cách mạng

GS Nguyễn Văn Hiệu đã cùng những người trí thức đi mở đường cho ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Năm 1970, tại Hội nghị vật lý quốc tế ở Kiev (Ukraina), ông đã có một bản báo cáo gây tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý của cử tọa khi đề cập những kết quả khám phá của mình cùng với VS Logunov.

Đầu tháng 5-1975, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu trúng cử đại biểu Quốc hội và được tháp tùng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đi thị sát các tỉnh phía Nam. Ngày 4-7-1975, Trung ương Cục miền Nam ra quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam và cử GS, VS Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với đội ngũ các nhà khoa học ít ỏi, ông lại bắt tay vào gây dựng một cơ ngơi mới.

Tháng 6-1976, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng.

Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu. Suốt những năm tháng này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về vật lý chất rắn, ông còn có đóng góp đặc biệt trong việc tổ chức đưa cây thanh hao hoa vàng vào trồng đại trà ở miền núi phía Bắc, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất quy mô công nghiệp thuốc chữa bệnh sốt rét, phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 1999, ông đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ được thành lập và ông là người hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này.

Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi còn là đại biểu Quốc hội.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc cải cách tiền lương cho ngành giáo dục.

Những năm tháng làm công tác nghiên cứu khoa học, ông có hơn 200 công trình khoa học trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn.

Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Với những đóng góp cho nền khoa học thế giới và nước nhà, năm 1986, ông được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lênin về khoa học và kỹ thuật. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và năm 2009, ông vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

VÂN NGA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/vinh-biet-vien-si-nguyen-van-hieu-684406