Vinh danh 60 thầy cô tiêu biểu của chương trình chia sẻ cùng thầy cô

Tối 15/11, Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2024.

Cuộc hội ngộ bất ngờ của Đại úy Trần Đại Lượng với học sinh cũ của mình.

Cuộc hội ngộ bất ngờ của Đại úy Trần Đại Lượng với học sinh cũ của mình.

Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029; kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Phát biểu tại lễ tuyên dương, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu: “Giáo dục luôn là nền tảng để xây dựng nền móng mỗi quốc gia, cứ mỗi dịp đến ngày 20/11 ai trong chúng ta cũng nhớ về và bày tỏ lòng tri ân tới các thầy cô, đó là truyền thống quý báu của dân tộc. Trong tâm thức người Việt Nam ta, người thầy là cầu nối với quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc”.

Từ năm 2015 đến nay, sau 10 lần tổ chức, Chương trình đã lựa chọn và tôn vinh 576 giáo viên, tạo nên hình ảnh đẹp về nhà giáo, trong đó đề cao sự nỗ lực, tình yêu nghề, ý chí vượt khó để truyền đạt tri thức của người thầy khắp mọi miền đất nước.

Trước đó, sau hơn 2 tháng phát động (31/7 - 30/9/2024), Ban Tổ chức đã nhận được 146 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 54 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Qua đó, Hội đồng xét trên tiêu chí trao thưởng lựa chọn ra 60 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.

 Từ năm 2015 đến nay, sau 10 lần tổ chức, Chương trình đã lựa chọn và tôn vinh 576 giáo viên.

Từ năm 2015 đến nay, sau 10 lần tổ chức, Chương trình đã lựa chọn và tôn vinh 576 giáo viên.

Đó là những thầy, cô giáo đang công tại các điểm trường lẻ tại các xã khó khăn thuộc khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thầy giáo, cô giáo cô giáo đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; đang dạy học sinh khuyết tật; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia công tác xóa mù chữ; giáo viên các trường giáo dưỡng (trại giáo dưỡng) do Bộ Công an quản lý.

Góp mặt tại chương trình năm nay có thầy giáo Đặng Văn Bửu (năm sinh 1972) là nhà giáo lớn tuổi nhất công tác tại Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre với thâm niên 31 năm và cô Hồ Ngọc Huyền (sinh năm 1975) công tác tại Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, quận Bình Thạnh, TP. HCM với gần 30 năm giảng dạy.

Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô giáo Dương Diệu Phương (sinh năm 1997) công tác tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với thâm niên 4 năm 10 tháng và thầy Hoàng Văn Quỳnh (sinh năm 1996) công tác tại Trường THCS & THPT Hà Lang, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang với thời gian dạy học 5 năm 9 tháng.

Trong không khí tề tựu đầy hân hoan, thầy Đặng Văn Bửu (Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Từ Cù Lao Ốc tới đây góp mặt cùng anh chị em đồng nghiệp trong cả nước là một vinh dự đối với tôi. Trước khi đến thủ đô, má tôi đã nhắn nhủ tôi phải vào Lăng viếng Bác chụp hình về cho má xem. Các em học trò cũng tổ chức ngày 20/11 sớm cho thầy khiến tôi vô cùng xúc động”.

Thầy Vì Văn Chuẩn (Trường THPT Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cũng cho biết: “Buổi tri ân ngày hôm nay là minh chứng cho sự cố gắng, cống hiến của các thầy cô trong nhiều năm qua hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Mong rằng các thầy cô giáo trong tương lai với sức trẻ, với tinh thần không ngại khó, ngại khổ sẽ còn đóng góp nhiệt tình, tâm huyết hơn nữa với các học trò, đặc biệt là lớp học trò vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tôi tin rằng đó là niềm mong mỏi cơ bản của tất cả các nhà giáo chân chính”.

Duy Đạt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vinh-danh-60-thay-co-tieu-bieu-cua-chuong-trinh-chia-se-cung-thay-co-post708771.html