Vinh danh nữ anh hùng Zoya Kosmodemyanskaya

'Chúng mày có thể treo cổ tao, nhưng tao sẽ không đơn độc. Hai trăm triệu người trên đất nước của chúng tao, chúng mày sẽ không thể treo cổ hết được, họ sẽ thay tao trả thù chúng mày. Hỡi những tên lính kia! Không bao lâu nữa chúng mày sẽ phải đầu hàng. Dù sao đi nữa thì chiến thắng sẽ thuộc về chúng tao! '. Đó là lời chị Zoya đã quát thẳng vào mặt bọn lính Đức quốc xã trước khi bị hành quyết.

Nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (mồng 8 tháng 3), chuyên đề ANTG xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc về nữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô.

Sự nghiệp vinh quang của Zoya

Zoya bước vào tuổi 18 cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống phát xít Đức ở Liên Xô đang diễn ra quyết liệt. Trước tình hình đó, Zoya đã xin phép bố mẹ được gia nhập lực lượng vũ trang Liên Xô. Zoya đã vượt qua cuộc tuyển chọn vào đơn vị Quân báo số 9903 Cục Tình báo thuộc Phương diện quân Miền Tây, người chỉ huy là Trung tá Artur Sprogis, Anh hùng Liên Xô trong cuộc chiến ở Tây Ban Nha.

Zoya cùng mẹ và em trai

Zoya cùng mẹ và em trai

Khi tấn công Liên Xô, quân Đức đặt mục tiêu kết thúc chiến tranh chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng Hồng quân đã làm thất bại ý đồ của chúng, buộc chúng phải phòng ngự và đóng quân trong các làng dân cư dọc hai bên quốc lộ. Việc đẩy bọn phát xít ra cánh đồng đầy tuyết trở thành nhiệm vụ cấp bách của Hồng quân Liên Xô.

Ngày 17-11-1941, Stalin - Tổng tư lệnh Tối cao ra lệnh cho Hồng quân đốt, phá các làng nằm trong hậu phương quân Đức. Ngày 26-11-1941, Trung tá Artur Sprogit phái một tổ 3 người đột nhập làng Petrishchevo để đốt cháy doanh trại quân Đức. Tổ này gồm có: Tổ trưởng Krainov cùng hai tổ viên là Klupkov và Zoya. Khi nhận nhiệm vụ, họ được thông báo rằng, họ là những cảm tử quân và có thể trong số họ, có người sẽ không được trở về đơn vị... Họ được đào tạo nghiệp vụ: cách sử dụng vũ khí, ném lựu đạn và định hướng mục tiêu. Thời gian đào tạo rất ngắn. Khóa đào tạo bắt đầu ngày 31 tháng 10 năm 1941 và sau ba tuần, ngày 21 tháng 11, cả nhóm lên đường làm nhiệm vụ.

Đội biệt động của Krainov có nhiệm vụ phá hủy các cơ sở quân sự của đối phương trong các ngôi nhà mà chúng chiếm đóng và đặt trung tâm tình báo điện đài để thu những bức điện của Hồng quân Liên Xô.

Theo kế hoạch, Tổ trưởng Krainov đứng đợi hai tổ viên ở địa điểm đã thống nhất. Tuy nhiên, Klubkov bị quân Đức bắt, Zoya không đến điểm tập kết. Chị đã qua đêm trong rừng, mặc dù ngoài trời khi đó là -25 độ, song chị không đốt lửa. Đến tối 28 tháng 11, Zoya quay lại làng Petrishchevo để thực hiện nhiệm vụ. Và không may Zoya cũng bị quân địch bắt.

Theo lời kể của những người dân của làng Petrishchevo thì, Zoya bị bắt vào tối 28 tháng 11. Khi đó những cư dân, một số từ phía sau bếp lò, một số từ lối đi, đã nhìn thấy và nghe thấy những gì đã diễn ra giữa bọn địch với Zoya. Đầu tiên, Zoya được đưa đến nhà của gia đình Sedov. Tại đây, chị bị khám xét và quần áo bên ngoài của chị bị cởi bỏ.

Sau đó, chị được chuyển đến ngôi nhà của gia đình Voronin là Tổng Hành dinh của quân Đức. Ở đó, chị bị đánh bằng thắt lưng - hơn 200 nhát. Họ tra hỏi chị và đánh chị. Chị đã can đảm và anh dũng, trả lời một cách sắc bén. Vào khoảng 10 giờ tối, họ chuyển chị đến ngôi nhà của gia đình Kulik, nơi có số lượng người Đức quá đông (20 - 25 người). Khi Zoya yêu cầu đồ uống, bọn lính Đức đã đưa một ngọn đèn dầu đang cháy vào mặt chị.

Praskovyi Kulik kể lại rằng: "Zoya bị trói tay và chị ấy bị thương rất nặng, môi thâm đen. Chị bị đẩy ra ngoài trời khi nhiệt độ âm 25 độ và đi chân trần trên tuyết. Từ 2h đến 7h sáng, chỉ còn lại một mình Zoya ở trong nhà. Chúng tôi đã cho chị uống nước. Chân chị bị tím tái vì rét cóng. Zoya bị tra tấn dã man, song chị đã không phản bội. Chị nói: "Đừng có đánh nữa, tao sẽ không nói cho chúng bay bất kỳ điều gì...". Và chị ấy tự gọi mình là Tanhya - nữ anh hùng thần tượng của Zoya trong cuộc nội chiến mà mẹ chị đã nhiều lần kể cho chị nghe. Tanhya đã bị Bạch vệ tra tấn dã man, song không chịu khuất phục.

10h30 sáng ngày 29 tháng 11, chị bị đưa đi hành quyết. Họ cho chị mặc một chiếc quần dài màu xanh đậm, áo sơ mi sẫm màu, đi tất. Chị vừa đi vừa ngẩng cao đầu. Khi quân Đức bắt đầu chụp ảnh chị trên đoạn đầu đài, chị đã quát thẳng vào mặt bọn lính Đức rằng: "Hiện tại, chúng mày có thể treo cổ tao, nhưng tao sẽ không đơn độc. Hai trăm triệu người trên đất nước của chúng tao, chúng mày sẽ không thể treo cổ hết được, họ sẽ thay tao trả thù chúng mày. Hỡi những tên lính kia! Không bao lâu nữa chúng mày sẽ phải đầu hàng. Dù sao đi nữa thì chiến thắng sẽ thuộc về chúng tao!".

Lễ an táng Zoya tại Moscow

Lễ an táng Zoya tại Moscow

Sau khi treo cổ chị, bọn Đức đã dùng lưỡi lê đâm vào cơ thể chị, dùng dao rạch ngực chị. Chị đã hy sinh một cách anh dũng. Sau khi hành quyết đã hơn một tháng, quân Đức vẫn không cho phép chôn cất thi hài Zoya. Bọn chúng còn nhảy múa quanh giá treo cổ trong đêm giao thừa.

Tháng 8 năm 1943, khi giải phóng vùng Smolensk, gần làng Potapovo, quân giải phóng đã thu được một túi của sĩ quan Đức, trong đó có 5 bức ảnh khủng khiếp về cuộc hành quyết Zoya.

Anh dũng hy sinh vì bị phản bội

Cuối tháng 2 năm 1942, Klupkov bất ngờ trở về đơn vị và báo cáo rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh ta bị bắt và đã cố thoát khỏi bọn phát xít trở về đơn vị. Trong bản tường trình, Klupkov viết rằng không biết gì về số phận Zoya. Sự việc xem như dừng ở đây.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, có lệnh bắt giam Klupkov. Phòng Quân báo Phương diện quân Miền Tây nghi ngờ Klupkov không thi hành nhiệm vụ, tự nguyện đầu hàng địch, khai báo đồng đội và được quân Đức tuyển làm điệp viên. Và nếu đúng vậy thì Klupkov trở về đơn vị cũ không phải với tư cách tù binh trốn trại, mà là gián điệp xâm nhập vào nội bộ Hồng quân.

Theo báo cáo của Đội trưởng Krainov, "Tôi đã ra lệnh mỗi người đi một hướng để tiếp cận làng Petrishchevo. Các khu vực do tôi và Zoya đảm nhiệm bốc cháy, tôi rút về điểm tập kết. Sau 10 tiếng chờ đợi, không thấy ai quay lại. Klupkov không hoàn thành nhiệm vụ, không thấy ánh lửa ở nơi giao cho anh ta... Klupkov có biểu hiện ngại chiến đấu, tôi phải ép anh ta mới đi...".

Trong khi đó, Klupkov cũng nhiều lần thay đổi lời khai. Lúc đầu, Klupkov khai khi bị bắt và bị tra tấn, anh ta chỉ khai mình là chiến sĩ Hồng quân. Sau anh ta bổ sung là có khai tên Zoya và Boris (Krainov), nhưng không nói họ của hai người. Anh ta khai: "Mờ sáng, bọn địch dẫn Zoya đến. Bị đánh, tôi nói có biết Zoya nhưng không nói phiên hiệu và địa điểm đóng quân của đơn vị, còn Zoya cũng khai có biết tôi". Nhưng Klupkov khai lại: "dù bị đánh đập, song Zoya phủ nhận là không biết tôi".

Phần mộ người nữ anh hùng Zoya

Phần mộ người nữ anh hùng Zoya

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và căn cứ vào quá trình lấy cung tù binh, các điều tra viên đã tái hiện được mọi việc. Sau khi vượt chiến tuyến tại khu vực làng Zorokhovo, Tổ trưởng Krainov phân chia khu vực cần phải đốt cho mỗi người. Trên đường tiếp cận mục tiêu, Klupkov nhìn thấy những đám cháy bùng lên ở hướng do Krainov và Zoya phụ trách. Đúng lúc đó, xuất hiện lính Đức. Chúng bắn dữ dội. Klupkov hoảng sợ bỏ chạy và bị bắt. Quân Đức giải Klupkov về sở chỉ huy ở giữa làng. Bị dọa bắn, Klupkov đã khai ra nhiệm vụ cũng như tên tuổi các thành viên trong tổ. Quân Đức lập tức tổ chức truy bắt Zoya và Krainov.

Trong khi đó, Klupkov tiếp tục khai rằng tổ 3 người thuộc Phòng Quân báo Phương diện quân Miền Tây, đóng quân gần làng Kulsevo. Phòng có 400 cán bộ, chiến sĩ, hiện đang tập trung thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tổ chức các nhóm biệt động để phá hoại, quấy rối hậu phương quân Đức. Y cũng khai ra tên của thủ trưởng phòng, cũng như chỉ huy các phân đội mà y biết. Gần sáng, bọn Đức áp giải Zoya đến. Klupkov xác nhận đó là nữ chiến sĩ quân báo Zoya, được giao nhiệm vụ đốt góc phía tây doanh trại Đức. Về phần Zoya, chị không khai báo gì về mình và đồng đội, kể cả Klupkov.

Mọi việc như vậy là đã rõ. Zoya tình nguyện ra trận và trở thành chiến sĩ quân báo của Hồng quân Liên Xô, chứ không phải là du kích như trước nay vẫn nói. Ngày 16-2-1942, Zoya được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Còn Klupkov, cuối cùng y phải khai ra nhưng điều chứng minh cho hành vi hèn nhát. Ngày 3 tháng 4 năm 1942, Tòa án quân sự Phương diện quân Miền Tây kết án tử hình Klupkov vì tội phản bội Tổ quốc. Bản án được thi hành ngày 16 tháng 4 năm 1942.

Tổ quốc Liên Xô vinh danh hai chị em Zoya

Sau chiến tranh, Zoya Kosmodemyanskaya được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichi là nghĩa trang nổi tiếng tại Moscow.

Zoya đã trở thành nữ Anh hùng Liên Xô đầu tiên, chị được truy tặng ngày 16 tháng 2 năm 1942. Nhiều đường phố, nông trường ở Liên Xô đã lấy tên Zoya. Nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và nhà điêu khắc đã sáng tác những tác phẩm về Zoya. Một đài tưởng niệm Zoya đã được dựng tại một vị trí cách không xa làng Petrishchevo, một bức tượng khác về Zoya được đặt tại ga tàu điện ngầm Parchizanskaya tại Moscow. Ngôi nhà của gia đình ông Praskovyi Kulik ở làng Petrishchevo, nơi Zoya đã ở vào đêm trước khi bị hành quyết, tháng 11 năm 2016 đã được khôi phục để làm bảo tàng về Nữ anh hùng Zoya.

Em trai của Zoya là Aleksandr sinh năm 1925. Sau khi người chị hy sinh, muốn trả thù cho chị mình, anh đã lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Anh đã chiến đấu trên một chiếc xe tăng, trên đó anh có sơn dòng chữ "Vì chị Zoya". Ngày 6 tháng 4 năm 1945, Aleksandr ở trên pháo tự hành SU-152 độc lập tác chiến, phá hủy khẩu đội của địch ở đó và trấn giữ đầu cầu cho đến khi Hồng quân Liên Xô vượt qua. Ngày 8 tháng 4, một khẩu đội pháo tự hành SU-152 do Aleksandr chỉ huy đã đánh chiếm cứ điểm quan trọng của địch ở Koeningsberg, pháo đài Queen Louise. Ngày 13 tháng 4, trong một trận chiến với một khẩu đội chống tăng của đối phương ở phía tây bắc Koeningsberg, sau khi đơn vị pháo tự hành của anh bị hỏng, với sự hỗ trợ của các đơn vị pháo tự hành khác, dưới quyền chỉ huy của Aleksandr, đơn vị anh đã tham gia trận chiến với bộ binh Đức và chiếm được một cứ điểm then chốt ở thị trấn Firbrudenkrug. Aleksandr bị tử thương trong trận chiến này.

Sau chiến tranh, Aleksandr cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya, thường gọi là Zoya, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1923 tại làng Osino-Gai, huyện Gavrilovsky, tỉnh Tambov, trong một gia đình có truyền thống về giáo dục. Cha và mẹ Zoya đều là giáo viên, ông nội là linh mục, em trai Zoya cũng là Anh hùng Liên Xô. Năm 1930, gia đình Zoya chuyển đến Moscow, và Zoya học ở trường Trung học số 201. Năm 1938, Zoya gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol.

Ninh Công Khoát (Biên soạn theo KP.RU)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/vinh-danh-nu-anh-hung-zoya-kosmodemyanskaya-633011/