Vinh danh Tiểu đoàn 59 anh hùng

Ngày 19-10, Sư đoàn 305, Quân khu 5 sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và 3 cá nhân thuộc đơn vị. Đây là sự ghi nhận xứng đáng những công lao, đóng góp của tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 30-9-2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 959/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn 59 và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 3 cá nhân, gồm: Đồng chí Nguyễn Lựu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Nguyễn Bá Dương, nguyên Tiểu đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 59; liệt sĩ Trần Xưng, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 59.

Khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ngày 20-4-2023, căn cứ kháng chiến và chiến đấu của Tiểu đoàn 59.

Khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ngày 20-4-2023, căn cứ kháng chiến và chiến đấu của Tiểu đoàn 59.

Tin vui lan tỏa, đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 59. Cựu chiến binh Nguyễn Đắc Tấn, 88 tuổi (trú tại phường 8, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), nguyên chiến sĩ súng cối 60mm, Tiểu đoàn 59 bày tỏ: “Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi biết tin Tiểu đoàn 59 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những hy sinh, gian khổ mà chúng tôi đã trải qua. Những người đi trước, đồng đội đã hy sinh, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Lựu-người chỉ huy xuất sắc, dũng cảm, đã cùng tập thể tạo nên những chiến công oanh liệt, hiển hách. Tôi rất mong chờ được gặp đồng đội, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng”.

Theo lịch sử ghi lại, Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10-6-1950, tại xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm hai đồng chí: Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng và Phạm Đạo, Chính trị viên. Tiểu đoàn khi mới thành lập gồm hai đại đội: Đại đội 6 độc lập của TP Đà Nẵng, Đại đội 11 của tỉnh Quảng Nam và cơ quan Tiểu đoàn bộ gồm các cán bộ tham mưu tác chiến, chính trị, hậu cần và các phân đội trực thuộc. Cuối năm 1950, Tiểu đoàn được bổ sung thêm Đại đội 4 bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Nam. Sau khi thành lập, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng. Tháng 11-1951, Tiểu đoàn được điều động về đội hình Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5. Đầu năm 1953, Tiểu đoàn 59 tham gia Chiến dịch An Khê, sau đó, Bộ tư lệnh Liên khu 5 điều Trung đoàn 803 tiến lên Nam Tây Nguyên, riêng Tiểu đoàn 59 tiến vào Bắc Khánh Hòa để đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch.

Trong những năm chiến đấu, Tiểu đoàn 59 đã tiêu diệt hàng chục tháp canh, lô cốt, 11 đồn kiên cố, hàng chục trận chống càn quét lớn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, thu hàng nghìn súng lớn nhỏ trên các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, trong đó có các trận đánh xuất sắc, hiệu suất cao như: Trận tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân (Đà Nẵng), bắt sống tên quan hai Pháp đồn trưởng; trận cường kích tiêu diệt đồn Thượng An và lô cốt Đầu Đèo ở An Khê (Gia Lai), thu khẩu pháo 155mm. Tiểu đoàn 59 còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở Điện Hòa (Quảng Nam), chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa), diệt nhiều tên địch Âu-Phi... Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 đã chiến đấu khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, nhiều gương cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh được lưu giữ trong lịch sử Trung đoàn 803, lịch sử Tiểu đoàn 59 và lịch sử đảng bộ các địa phương.

Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, căn cứ kháng chiến và chiến đấu của Tiểu đoàn 59.

Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, căn cứ kháng chiến và chiến đấu của Tiểu đoàn 59.

3 đồng chí Nguyễn Lựu, Nguyễn Bá Dương và Trần Xưng là những cán bộ của Tiểu đoàn 59 tiêu biểu sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và sự hy sinh cao cả. Đồng chí Nguyễn Lựu (sinh năm 1913, quê ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) tham gia cách mạng từ năm 1945, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 từ năm 1950 đến 1954, đã lập nhiều chiến công vang dội, chỉ huy đơn vị tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng của địch. Ông là người chỉ huy tài năng, giỏi về quân sự, nhạy bén về chính trị, hết lòng vì dân, vì nước, được đồng đội kính trọng. Đồng chí Nguyễn Bá Dương (sinh năm 1923, quê ở xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; hy sinh năm 1952, tại Đồn Nhất-Hải Vân Quan, TP Đà Nẵng) là tiểu đội trưởng dũng cảm, mưu trí, luôn sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ của đơn vị. Đồng chí Trần Xưng (sinh năm 1924, quê ở Hòa Hiệp, Liên Chiểu, Đà Nẵng; hy sinh năm 1953, trong trận đánh đồn Kon Braih, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là một cán bộ mẫu mực, đã tham gia nhiều trận đánh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Đại tá Phan Văn Tuấn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 305, dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 5, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, UBND thị xã Ninh Hòa cùng các đơn vị, cơ quan chức năng tích cực làm công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm buổi lễ diễn ra trọng thể, chu đáo, thiết thực, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 cũng như 3 đồng chí Nguyễn Lựu, Nguyễn Bá Dương và Trần Xưng. Đây cũng là động lực để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 305 tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vinh-danh-tieu-doan-59-anh-hung-798807