Vĩnh Linh chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là các đợt thiên tai liên tiếp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân. Nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân cũng như chủ động ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được huyện Vĩnh Linh quan tâm, xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.

 Diễn tập chằng chống nhà cửa để phòng, chống thiên tai tại xã ven biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.Đ

Diễn tập chằng chống nhà cửa để phòng, chống thiên tai tại xã ven biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.Đ

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, mùa lũ năm 2021, trên các sông ở Quảng Trị có khả năng xuất hiện từ 2- 4 đợt lũ, đỉnh lũ năm ở các hệ thống sông đạt từ báo động 3 đến trên báo động 3 và ở mức cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời kỳ xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm vào khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, tháng 11. Để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra, huyện Vĩnh Linh xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) một cách linh hoạt, sát tình hình với phương châm nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả.

Theo đó, huyện Vĩnh Linh củng cố, kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành, theo hướng tinh gọn, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tiến hành kiểm tra và lập kế hoạch tu bổ các công trình bị hư hỏng trước mùa mưa bão, chú trọng những công trình trọng điểm, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc và một số công trình quan trọng khác. Triển khai kế hoạch đăng ký lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng đối phó và ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Lập danh sách, quản lý chặt chẽ lực lượng và phương tiện cứu hộ, có phân chia thành trung đội, tiểu đội và chỉ huy trưởng theo từng vùng ứng cứu để khi có lệnh là huy động được ngay, chủ yếu tập trung vào các công trình trọng điểm như các hồ chứa, tuyến đường, tuyến đê và khu dân cư trong vùng ngập lụt, vùng ven biển.

Tổ chức công tác trực ban 24/24 giờ trong những ngày có bão lũ. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức cho Nhân dân sớm chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng và sẵn sàng di dời dân theo chỉ đạo của cấp trên khi có tình huống cấp bách. Bên cạnh đó, huyện bố trí khung lịch thời vụ cho từng loại cây trồng, con nuôi, các loại thủy sản hợp lý, kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Tiếp nhận, phân phối trang bị thêm cho ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn phương tiện cứu hộ như nhà bạt, xuồng, phao cứu sinh... Công tác bảo vệ những công trình trọng điểm, tuyến đường trọng yếu và vùng có nguy cơ bị sóng thần, lũ lớn được chú trọng. Bố trí địa điểm sơ tán dân đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra. Tại các công trình thủy lợi lớn của huyện như: La Ngà, Bàu Nhum, Bảo Đài, Sa Lung, đê biển Vĩnh Thái... thành lập những tổ xung kích, các đơn vị đã đăng ký vị trí tập kết lực lượng, phương tiện vật tư để khi có sự cố sẽ huy động được ngay.

Công tác phòng, chống thiên tai được huyện Vĩnh Linh triển khai ở 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến lụt bão hằng năm chia ra các vùng gồm: Vùng bão đổ bộ trực tiếp thuộc các xã, thị trấn ven biển và vùng Đông, ngoài gió bão đề phòng triều cường, sóng biển dâng cao. Vùng ngập lụt gồm các xã thuộc lưu vực sông Sa Lung và sông Bến Hải. Vùng lũ quét và sạt lở đất các xã, thị trấn ở phía Tây. Do vậy phải hướng dẫn các địa phương trong các vùng nguy cơ cao lên phương án PCTT&TKCN một cách phù hợp. Trước khi lụt, bão xảy ra cần chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án. Nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động vào nơi trú ẩn. Tổ chức di dời dân trong vùng nguy cơ ảnh hưởng do sóng thần, lũ quét, vùng sau hồ đập, vùng ngập lụt sâu đến nơi an toàn. Trong lụt, bão phải thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết qua thông tin 2 chiều để có chỉ đạo kịp thời, hợp lý. Điều hành lực lượng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân tùy theo cấp báo động để huy động. Sau lụt, bão, các ban, ngành, địa phương, đơn vị nhanh chóng nắm thiệt hại, báo cáo kịp thời về ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Ưu tiên các hoạt động cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nước uống và các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho Nhân dân; xử lý vệ sinh môi trường. Khẩn trương tu sửa nhà cửa, trường học và các công trình công cộng, sớm ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Cung ứng giống cây trồng và vật nuôi để có thể sớm sản xuất bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các địa phương thực hiện đồng loạt, nhất quán phương châm “4 tại chỗ”. Toàn huyện Vĩnh Linh thành lập những tiểu ban PCTT hệ thống các công trình thủy lợi lớn, như: Tiểu ban chỉ huy PCTT hồ La Ngà, hồ chứa nước Bàu Nhum, hồ chứa nước Bảo Đài và công trình thủy lợi Sa Lung. Các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Trung Nam, thị trấn Hồ Xá, mỗi đơn vị thành lập một đội xung kích cứu hộ. Lực lượng đội xung kích phải có mặt đầy đủ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Các xã Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái thành lập mỗi đơn vị một đội xung kích hộ đê để khi đê, kè cống có sự cố nhanh chóng ứng cứu. Trong thời gian có bão, lụt, mỗi đơn vị cử khoảng 10 người thường trực tuần tra canh gác bảo vệ đê, phát hiện xử lý những sự cố về đê hoặc báo cáo ban chỉ huy PCTT cơ sở để có phương án ứng cứu.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị ở huyện Vĩnh Linh đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão. Từ đó nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân.

Nguyên Đồng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162380&title=vinh-linh-chu-dong-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan