Vĩnh Linh - Dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển

Cách đây 30 năm, ngày 23/3/1990, huyện Vĩnh Linh được lập lại. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, huyện Vĩnh Linh đã có những bước bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

 Chế biến mủ cao su tại Nhà máy Cao su Đức Hiền, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh. Ảnh: PN

Chế biến mủ cao su tại Nhà máy Cao su Đức Hiền, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh. Ảnh: PN

Từ Quyết định số 91/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia tách huyện Bến Hải thành hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, huyện Vĩnh Linh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, gồm 1 thị trấn và 20 xã với diện tích đất tự nhiên là 61.956 ha, dân số 77.678 người. Những ngày đầu mới lập lại, Vĩnh Linh đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng lòng cần cù, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để từng bước đưa huyện nhà phát triển vững chắc. Nhờ đó, sau 30 năm, huyện Vĩnh Linh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, trung bình mỗi năm tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng từ 12-15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,3 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2019, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 40.519 tấn, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1990; tổng sản lượng thủy hải sản đạt 3.802 tấn, tăng gấp 3,3 lần; năng suất lúa hằng năm luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh với diện tích gần 7.000 ha; diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày tăng nhanh như cao su từ 270 ha năm 1990 tăng lên 6.582 ha năm 2019, hồ tiêu từ 323 ha tăng lên 1.300 ha…

Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện cũng đã gặt hái được nhiều thành quả như: Ứng dụng thành công mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao; mô hình trồng lúa, tiêu hữu cơ; nuôi tôm 2 giai đoạn… Xây dựng thành công thương hiệu cho 4 sản phẩm: Tiêu Vĩnh Linh, ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, dưa hấu Vĩnh Tú và nhiều nhãn hiệu tập thể như bột sắn dây Vĩnh Trung, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, dầu lạc Vĩnh Trung. Huyện đã hình thành 3 vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm vùng trồng lúa, vùng trồng cao su và vùng trồng hồ tiêu mang lại hiệu quả cao.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, TTCN và thương mại dịch vụ có quy mô ngày càng tăng với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Đến năm 2019, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện ước đạt 1.032 tỉ đồng; thương mại - dịch vụ ước đạt trên 3.000 tỉ đồng. Toàn huyện hiện có 2 cụm CN đang trên đà phát triển, có 7 ngân hàng, 5 quỹ tín dụng nhân dân, hơn 1.000 cơ sở dịch vụ thương mại và 17 chợ các loại. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp, tăng dần CN- xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Vĩnh Linh đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Trong 10 năm (từ 2011-2019), huyện đã huy động trên 663,8 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục xây dựng NTM. Đến nay, đã có 15/19 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Về bộ tiêu chí huyện NTM, Vĩnh Linh đã đạt 4/9 tiêu chí. Hằng năm huyện huy động từ 150-200 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa và bổ sung các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng. Những năm 1990, toàn huyện có gần 10 km quốc lộ, 20 km tỉnh lộ, 4 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, chỉ có 7 xã và 1 thị trấn được sử dụng điện lưới thì đến nay 100% xã đã xây dựng đường bê tông nông thôn; 100% xã có đường ô tô về trung tâm; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới. Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục- thể thao được đầu tư xây dựng với đầy đủ tiện nghi đã tạo nên diện mạo đô thị, nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được huyện đặc biệt quan tâm, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng. Năm 1990, toàn huyện chỉ có 31 trường học, chưa có trường kiên cố, cao tầng thì đến nay đã xây dựng được 57 trường học trên 22 xã, thị trấn; trong đó có 37 trường đạt chuẩn quốc gia, 5 trường đạt mức độ II. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Hiện 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Trung bình mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho hơn 1.300 lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%, tăng gần 50% so với đầu những năm 2000.

Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả nổi bật. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Nếu như sau ngày lập lại, huyện có tới 30% số dân thiếu lương thực thì đến nay đã không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 3,98%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; hằng năm huyện đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân. Các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao ngày càng phát triển, trở thành phong trào có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng. Từ năm 1990 đến nay, Đảng bộ Vĩnh Linh đã trải qua 6 kì đại hội. Mỗi kì đại hội là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, trong đó tính dân chủ, trí tuệ được phát huy; tinh thần đoàn kết, thống nhất được củng cố tăng cường. Đến nay, toàn huyện có hơn 8.884 đảng viên, sinh hoạt tại 46 TCCS đảng, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao đã góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 11/2011, Chủ tịch nước đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới cho cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh.

Để đạt được những thành tựu trên, huyện Vĩnh Linh đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là bài học về thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ gìn kĩ cương, tăng cường đoàn kết thống nhất. Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải phát huy truyền thống cách mạng, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương.Bài học về xây dựng, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển toàn diện và bền vững, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Chặng đường 30 năm sau ngày lập lại là giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện Vĩnh Linh. Trước thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh càng ý thức được trách nhiệm và nêu cao ý chí quyết tâm biến mọi khó khăn thành lợi thế, khơi dậy mọi tiềm năng để tiếp tục bứt phá vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phương Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145468