Vĩnh Linh tập trung nguồn lực cho vụ sản xuất đông xuân

(QTO) - Thực hiện phương án của UBND tỉnh Quảng Trị về “Khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông 2020 và đông xuân 2020- 2021”, các cấp, ngành cùng Nhân dân huyện Vĩnh Linh đã huy động tổng lực, tập trung vào vụ sản xuất mới.

 Các địa phương ở huyện Vĩnh Linh ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất nông nghiệp năm 2021 - Ảnh: N.T

Các địa phương ở huyện Vĩnh Linh ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sản xuất nông nghiệp năm 2021 - Ảnh: N.T

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020- 2021, huyện Vĩnh Linh gieo trồng khoảng 7.700 ha, trong đó 4.000 ha lúa; 550 ha ngô; 1.300 ha lạc; 1.800 ha khoai, sắn… Riêng cây lúa, dự kiến bố trí lịch thời vụ cho lúa trổ tập trung trong khoảng thời gian từ 10- 20/4/2021…Về chăn nuôi, huyện xây dựng phương án phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm hạn chế rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi. Duy trì, mở rộng diện tích nuôi tôm sú và thủy sản đang mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, kết hợp đưa vào những đối tượng nuôi mới như cá mú, cá chẽm, cua… nhằm tận dụng diện tích tại vùng nước lợ, nước mặn, mục tiêu đạt 825- 850 ha nuôi trồng thủy sản toàn huyện.

Để hoàn thành kế hoạch, ngay từ đầu vụ, huyện Vĩnh Linh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa đẩy nhanh công tác phục hồi, chủ động các điều kiện cần thiết đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp vừa ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh. Trước hết, huyện rà soát, đánh giá cụ thể từng công trình theo mức độ hư hại để từ các nguồn đầu tư lồng ghép gấp rút sửa chữa hạ tầng thủy lợi cấp thiết cũng như hệ thống giao thông nội đồng phục vụ cấp nước, vận chuyển giống, vật tư, phân bón. Đặc biệt, ưu tiên tại các xã từng bị ngập lụt nặng, miền biển như Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Thái và các địa phương thuộc vùng miền núi như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê… Các đơn vị đồng loạt phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, gia cố các đoạn đê, kè xung yếu bị hư hỏng, sạt trượt; nạo vét kênh mương, cửa cống bị bồi lấp được thông thoáng; phân loại đất trồng, độ vùi lấp nhằm cải tạo đồng ruộng, trả lại mặt bằng sản xuất.

Một vấn đề cấp bách trong sản xuất vụ đông xuân này là thiếu hụt nguồn giống, vật tư do bị thiệt hại từ các đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2020. Huyện Vĩnh Linh đã tiếp nhận từ tỉnh và cấp phát kịp thời cho các xã, thị trấn 700 kg ngô giống, gần 1.000 kg giống rau, 40 tấn hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; 5,5 tấn hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi. “Đồng thời UBND huyện đã có tờ trình đề nghị tỉnh cấp 320 tấn lúa giống, 12 tấn giống ngô, 4 tấn giống rau; 120.000 con gà giống 21 ngày tuổi; 10 triệu con tôm post, 30 tấn thức ăn nuôi tôm. Mặt khác, các tổ chức, đoàn thể tăng cường kết nối, kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ giúp đỡ cho các xã vùng thiệt hại nặng, vùng khó không chỉ về cây con giống mà cả máy móc, kinh phí hoạt động sản xuất… Huyện cũng đã thực hiện trợ giá 160 tấn giống lúa các loại nhằm tạo thêm điều kiện để người dân yên tâm bước vào vụ sản xuất mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Sau khi đề xuất, đến đầu tháng 1/2021, huyện Vĩnh Linh đã tiếp nhận tổng cộng gần 300 tấn lúa giống các loại, 15 tấn giống ngô, 25.000 con gà giống (trong tổng số 38.000 con gà giống) từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp. Đối với các nguồn hỗ trợ, huyện phân bổ về các đơn vị, HTX, cơ quan theo đúng thời gian quy định để sớm cấp phát lại cho Nhân dân.

Theo kết quả điều tra tình hình sâu bệnh tồn tại trên đồng ruộng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã dự kiến những dịch hại trên cây trồng chính vụ đông xuân 2020- 2021 và đưa ra các biện pháp phòng trừ. Cụ thể, trên cây lúa, do thời điểm vào vụ sản xuất có rét đậm, rét hại so với nhiều năm trở lại đây nên các địa phương cần chú ý hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sinh trưởng của cây lúa, chuẩn bị giống dự phòng, đấu úng. Trong việc bón phân phải cân đối hợp lý, bổ sung thêm thành phần kali để tăng khả năng chống chịu, chú trọng khâu bón lót cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa. Diệt trừ sớm các dịch hại thường xuyên như chuột, ốc bươu vàng, rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ…; làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cỏ dại, sử dụng các bộ giống có phẩm cấp. Trên cây lạc, ngô và rau màu, nắm bắt mật độ sâu hại và tỉ lệ để có cách xử lý hiệu quả, ưu tiên dùng các loại thuốc thảo mộc, sinh học. Bệnh cháy lá trên cây môn, cây ném có thể dùng thuốc đặc trị như Agriphos 400, Aliete 800 WG…

Ở cây ngô, nếu sâu keo phát sinh, tiến hành ngắt ổ trứng đem tiêu hủy. Những nơi sâu gây hại mật độ thấp, lấy tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt sâu non. Những nơi sâu gây hại mật độ cao dùng thuốc hóa học có hoạt chất Bacillus Thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb… để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trên cây sắn, chỉ chọn cây sắn khỏe, sạch rệp để làm giống, xử lý hom giống trước khi trồng; nghiêm cấm việc du nhập các giống sắn từ vùng dịch và các giống sắn nhiễm bệnh như: HLS- 11, HLS- 12, KM 419 về trồng để ngăn chặn sự phát triển, lây lan và gây hại của sâu bệnh. Riêng trên cây hồ tiêu, việc thoát nước rất quan trọng. Do đó, tùy địa hình, thời tiết từng vùng mà tạo hệ thống rãnh thoát nước thích hợp, đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ độ sâu 40- 50 cm, 3 hàng ngang 1 rảnh, 3 hàng dọc 1 rảnh. Nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá, đào rảnh thoát nước chính sâu trên 50 cm xung quanh vườn. Bón phân NPK, tăng phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma để bổ sung chất hữu cơ cho đất và phòng trừ nhóm bệnh hại vùng rễ… “Từng giai đoạn mùa vụ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Linh đề nghị các địa phương theo dõi sát đồng ruộng, phát hiện, thực hiện triệt để các biện pháp theo chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành đến cơ sở, hợp tác xã và người dân nhằm giảm thiểu những thiệt hại do sâu bệnh gây ra trong vụ đông xuân 2020- 2021”, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh Lê Thị Hiền Lương cho biết thêm.

Vụ đông xuân 2020- 2021, huyện Vĩnh Linh phấn đấu năng suất lúa đạt 56 tạ/ha, có 60 mô hình/1.400 ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung; sản lượng thủy, hải sản toàn ngành 5.500- 5.700 tấn… Từ đó bảo đảm an ninh lương thực, tiếp tục đẩy mạnh hình thành nền nông nghiệp giá trị cao và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154745