Vĩnh Linh vang mãi những bài ca hào hùng

Mảnh đất Vĩnh Linh sông nước hữu tình, chiếc đòn gánh nối hai đầu đất nước, được giao thoa các nền văn hóa với những làn điệu dân ca uyển chuyển, trữ tình. Đó chính là mạch nguồn để Vĩnh Linh có những khúc ca sâu lắng làm say đắm lòng người và đi cùng năm tháng.

Thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh ngày càng khởi sắc - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh ngày càng khởi sắc - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Nếu so với những sáng tác âm nhạc về các địa danh trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước thì những nhạc phẩm viết về Vĩnh Linh vượt trội về số lượng và khá hoàn hảo về chất lượng. Tổng hợp và nghe lại những ca khúc này ta sẽ có một kho biên niên sử bằng nghệ thuật âm thanh về Vĩnh Linh lũy thép.

Nhiều ca khúc trở thành quen thuộc với đồng bào trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 1954, Vĩnh Linh có một vị trí đặc biệt trong tâm khảm người dân Việt Nam. Vì thế, trên mọi miền Tổ quốc, nhiều nhạc sĩ đã viết về Vĩnh Linh như: Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Doãn Nho, Trọng Loan, Đinh Thìn, Thái Quý, Lư Nhất Vũ...

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đất nước chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Vĩnh Linh trở thành đặc khu có vị trí đặc biệt; là tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Hiệp định Giơne-vơ quy định sau 2 năm hai miền Nam - Bắc phải tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng chính quyền Sài Gòn đã phá hoại cuộc tổng tuyển cử này vì lúc đó có trên 80% dân số nước nhà ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh.

Và cũng vì vậy, họ chỉ cho Nhân dân hai miền trao đổi tình cảm qua lá thiếp công khai với hai dòng chữ thôi, chứ không được viết thư dài và dán kín. Bài hát “Tình trong lá thiếp” (1955) của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra đời trong điều kiện đó.

Những bưu thiếp với ít dòng ngắn ngủi gửi qua cầu Hiền Lương được thể hiện bằng bài ca thật xúc động và chứa chan tình cảm của đôi lứa nhưng thực ra là tình cảm của cả dân tộc ta trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau Hiệp định Giơ-ne-vơ: Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam/ Dù xa muôn trùng nhưng tình anh/ vẫn ngàn năm không mờ/ Hình em bên lòng trong mối tình chung/ Ngày mai thống nhất Nam - Bắc người người reo vui/ Tình tang tình chim bay về Nam xóa trôi những ngày/ Lòng em mong ngóng thương nhớ đón anh ngày mai này/ Em chờ anh về cùng em cho lúa vàng tươi.

Cũng năm sáng tác với ca khúc “Tình trong lá thiếp” (1955) của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” của Doãn Nho: Lời ca thống nhất/ Vang khắp nơi từ Bắc tới Nam/ Chân bước theo lòng vui chứa chan/ Muôn ngàn lời hô hào chúc mừng/ Dân tộc Việt Nam anh hùng/ Tay nắm tay tưởng trong giấc mơ/ Trông bến sông thuyền chen bóng cờ.

Bản hợp xướng bừng bừng một âm hưởng thống nhất đất nước rền vang, hào sảng, đỉnh đạc về nội dung, đầy đặn và bề thế về hình thức đã thúc giục, cổ vũ cho khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Bia lưu niệm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 của Mỹ đầu tiên trên miền Bắc ngày 17/9/1967 tại thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh - Ảnh: Đ.T

Bia lưu niệm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 của Mỹ đầu tiên trên miền Bắc ngày 17/9/1967 tại thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh - Ảnh: Đ.T

Trong những ngày đất nước bị chia cắt, nhà thơ Thanh Hải đã có những câu thơ quặn thắt: “Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”. Nỗi đau xót, khắc khoải, thủy chung tình nghĩa ấy cũng từng âm ỉ nồng đượm trong nhiều ca khúc ra đời vào buổi đầu đất nước phân hai này, như “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp - Đằng Giao), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Trên tuyến lửa Vĩnh Linh” (Lư Nhất Vũ), “Dòng Bến Hải tâm tình” của Vĩnh Cát...

Ca khúc “Xa khơi” được sáng tác năm 1961 khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đang ở Đoàn ca múa nhạc nhân dân trung ương, được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước.

Đã 63 năm qua, bài hát “Xa khơi” được đưa vào các nhạc viện, học viện âm nhạc trên toàn quốc cho các thế hệ học sinh, sinh viên hát; được chọn để thi trong các cuộc thi quốc gia dòng nhạc dân gian và thính phòng. Và “Xa khơi” đã xuyên qua không gian, thời gian, là một trong bộ 5 tác phẩm để nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 2001.

Nhắc đến những nhạc sĩ sáng tác về Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nổi bật có nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng nhiều thế hệ yêu thích như “Hò kéo pháo”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Tâm tình người thủy thủ”, “Quảng Bình quê ta ơi!”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình yêu của đất và nước”. Đa số các ca khúc của ông đều có chất liệu từ những làn điệu dân ca mà “Bài ca Vĩnh Linh” được xem là một trường hợp tiêu biểu.

Quê ta đó Vĩnh Linh đứng đầu sóng gió/ Đất Cồn Cỏ đất anh hùng của Tổ quốc vinh quang/ Thuyền đi khơi thuyền đi lộng/ Ngày lại ngày quên mình trong lao động/ Hò ớ... lúa vẫn lên xanh, lửa đạn bốn bề/ Nghe tiếng máy tưởng như nghe tiếng gọi trả thù/ Trị Thiên ơi nghe thấy chăng/ Chiều chiều tin chiến thắng nức lòng quê hương chúng ta”. Có thể nói “Bài ca Vĩnh Linh” thực sự là một ca khúc hoàn chỉnh, mẫu mực về mọi phương diện của nghệ thuật sáng tác ca khúc, đặc biệt là ca khúc viết về các vùng quê hương đất nước.

Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng ta nêu cao khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Cùng với đó, dòng âm nhạc kháng chiến đã chuyển động theo hướng tất cả để động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân ta kháng chiến. Ca khúc viết về Vĩnh Linh, Cồn Cỏ làm nhiệm vụ như một cuốn “Biên niên sử bằng âm thanh” theo sát từng sự kiện, khắc họa trung thực cuộc sống, chiến đấu, lao động của quân và dân Vĩnh Linh lũy thép.

Để kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, từ năm 1965 đến năm 1968, Bác Hồ kính yêu đã 3 lần gửi thư thăm hỏi, động viên. Và nhạc sĩ Trọng Loan cũng đã viết ngay bản hành khúc “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” dựa trên chất liệu dân ca và hò Quảng Trị đã mang tới cho hành khúc Việt Nam một sáng tạo mới khi đưa cả âm hưởng hò khoan vào nhịp điệu này. Ngoài bài hát “Gửi Cồn Cỏ anh hùng”, người dân Quảng Trị còn được biết đến ca khúc bất hủ “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, giai điệu của bài hát đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị chọn làm nhạc hiệu.

Nhìn chung, âm nhạc viết về Vĩnh Linh thời chống Mỹ, cứu nước giàu về nội dung, đề tài; phong phú về thể loại và ngôn ngữ biểu hiện. Đó thực sự là lời hiệu triệu thôi thúc, giục giã thiết tha, sâu lắng, đầy ân nghĩa, ân tình và lời thề quyết chiến-quyết thắng của quân dân Vĩnh Linh trong thời khắc khốc liệt của chiến tranh. Những thành tựu đó đã tạo tiền đề cho bước phát triển của nền âm nhạc Vĩnh Linh ở những giai đoạn tiếp theo của lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Dung Huyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vinh-linh-vang-mai-nhung-bai-ca-hao-hung-186624.htm