Vĩnh Long cam kết xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn

Theo ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, thông qua Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024, Vĩnh Long mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết của tỉnh nhà trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thiên nhiên ưu đãi

Tại sự kiện khai mạc Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024, ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long cho biết, đất và người Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi khi nằm vị thế hợp lưu giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, thuộc hạ nguồn sông Mê Kông - dòng sông huyền thoại đã mang theo nhiều nền văn hóa đa dạng trong suốt hành trình và ban tặng cho nơi này.

 Nghề sản xuất gạch gốm tại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã có trên 100 năm. Ảnh minh họa.

Nghề sản xuất gạch gốm tại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã có trên 100 năm. Ảnh minh họa.

Ngoài có hệ thống sông ngòi rạch chằng chịt, đan xen đã hình thành nên hệ sinh thái miệt vườn sông nước, cây trái xanh tốt quanh năm, Vĩnh Long còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ, là tiền đề để gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển. Bên cạnh đó, khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đã kết nối Vĩnh Long với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội giao lưu kinh tế quốc tế cho khu vực.

Bên cạnh đó, sông nước Vĩnh Long còn là nơi tích tụ phù sa, tạo thành những mỏ đất sét quý giá, hình thành nghề sản xuất gạch gốm đã có trên 100 năm. Với vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian vừa lung linh soi bóng dọc dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên của huyện Mang Thít - vương quốc gạch, gốm đỏ, đã trở thành niềm tự hào của người dân làng nghề và là điểm đến độc đáo, khác biệt đối với du khách trong và ngoài nước.

Ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, phát biểu tại lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ. Ảnh: Gia Cư.

Ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, phát biểu tại lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ. Ảnh: Gia Cư.

Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, từng là cái nôi kinh tế, chính trị với Long Hồ Dinh một thời vang bóng. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của vùng đất học và là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa, nhà chính trị kiệt xuất.

Toàn tỉnh hiện có 13 di tích cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh; Khu lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo kiệt xuất như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Giáo sư - Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, với mong muốn đưa làng nghề truyền thống của địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với bộ, ngành trung ương tổ chức Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 quy mô cấp khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cùng với sự tham gia của TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc.

Ngoài tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay, Festival Gạch gốm đỏ còn là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước.

Xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn

Cũng theo ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất Vĩnh Long - Điểm hẹn phương Nam và những giá trị văn hóa độc đáo của Vương quốc Đỏ - Mang Thít.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại sự kiện khai mạc Festival Gạch gốm đỏ. Ảnh: Gia Cư.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại sự kiện khai mạc Festival Gạch gốm đỏ. Ảnh: Gia Cư.

Trong đó, nổi bật là không gian trưng bày rộng lớn cùng những hoạt động trên bến dưới thuyền; liên hoan gia đình tài tử, liên hoan tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024; các hoạt động biểu diễn diều led, drone light, chương trình múa rối nước vô cùng đặc sắc... phục vụ du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long cũng cho hay, trong khuôn khổ Festival, tỉnh Vĩnh Long sẽ công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045, đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới. Qua đó bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực, trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra trong vòng 1 tuần, từ 16/11 - 23/11. Ảnh: Gia Cư.

Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra trong vòng 1 tuần, từ 16/11 - 23/11. Ảnh: Gia Cư.

Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I năm 2024, được tổ chức tập trung vào hai nội dung chính là Gạch gốm đỏ và kinh tế xanh.

Sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá những tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít và hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời sự kiện tôn vinh những đóng góp vì sự phát triển nền nông nghiệp xanh nói riêng, phát triển bền vững kinh tế xanh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bên cạnh đó, khai thác được các giá trị và tiềm năng tổng thể, phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực khác, hình thành hệ sinh thái cảnh quan - di sản - dịch vụ.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long thông tin thêm, thông qua Festival, Vĩnh Long mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết của tỉnh nhà trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh của tỉnh. Tập trung phát triển làng nghề gắn với phát huy các giá trị văn hóa nền văn minh lúa nước của vùng sông nước đặc sắc và bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững.

Hoàng Dương - Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vinh-long-cam-ket-xay-dung-nen-kinh-te-xanh-tuan-hoan-164209.html