Vĩnh Long: Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của Trung ương; sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và Nhân dân đã giúp cho tỉnh Vĩnh Long vượt qua được khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng.Vĩnh Long: 6 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực

 Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 6,18%/năm (mục tiêu Nghị quyết là 6%), tăng 1,28 điểm phần % so nhiệm kỳ 2015-2020 (tăng 4,9%). Quy mô kinh tế năm 2023 ước đạt 78.729 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm 2020; ước GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 76,5 triệu đồng (tăng 33,4% so với năm 2020).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, từng bước khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản; ban hành nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh và các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng mô hình sản xuất gắn với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu nông sản hàng hóa; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm… giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng bình quân 7,1%/năm, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích năm 2022 đạt 357 triệu đồng/ha (tăng bình quân hàng năm trên 10%/năm).

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 của Chính phủ; khuyến khích, hỗ trợ thành lập mới được 1.152 doanh nghiệp; mời gọi, thu hút 27 dự án mới đi vào hoạt động; hoàn thiện quy hoạch và mời gọi các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bình Tân, An Định, Đông Bình.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và là khu vực có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (ước năm 2023 chiếm 41% GRDP), tăng trưởng bình quân ước đạt 7,4%/năm. Hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; mạng lưới phân phối hàng hóa được mở rộng. Triển khai quyết liệt các giải pháp kích cầu du lịch, quy hoạch xây dựng nhiều công trình, dự án lớn phục vụ phát triển du lịch. Tập trung xác định và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, như: Vĩnh Long đệ nhất Homestay, về Vĩnh Long đốt đuốc đi xem hát bội, Vương quốc đỏ, Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Ngày hội Du lịch trở thành sự kiện thường niên, đưa vào khai thác bến cảng hành khách và sắp xếp lại các Tour, tuyến góp phần thu hút trên 2,65 triệu lượt du khách, ước doanh thu đạt trên 1.470 tỷ đồng, tăng bình quân 60%/năm.

 Du khách tham gia nấu ăn tại một homestay ở Vĩnh Long.

Du khách tham gia nấu ăn tại một homestay ở Vĩnh Long.

 Du khách giao lưu, chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân hát bội tại tỉnh Vĩnh Long.

Du khách giao lưu, chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân hát bội tại tỉnh Vĩnh Long.

Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị và nông thôn, tạo cảnh quan môi trường và điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh có 73/87 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt 98,6% chỉ tiêu Nghị quyết (nghị quyết nhiệm kỳ 74/87 xã đạt chuẩn NTM); có 2/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 66,7% chỉ tiêu Nghị quyết.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội:Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 290 năm thành lập Long Hồ dinh, 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long, 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long và 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ được chu đáo, trang trọng, ý nghĩa…

Các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dần dần được nâng cao hơn. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được tích cực thực hiện. Thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên đấu trường khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Kiên trì mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu; triển khai hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường.

Hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện tốt. Quy mô và chất lượng các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số ngày càng được mở rộng và nâng cao; hạ tầng y tế từ tỉnh đến cơ sở dần được hoàn thiện, đến nay toàn tỉnh có 31,5 giường bệnh/vạn dân, đạt 99% chỉ tiêu Nghị quyết.

Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tập trung hướng vào đời sống và sản xuất; từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Các chính sách cho người có công, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống Nhân dân được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm ở các cấp được thực hiện tốt.

Quốc phòng, an ninh và các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đạt hiệu quả cao; góp phần nâng cao nhận thức về tác chiến khu vực phòng thủ. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nâng cao chất lượng

Các cấp ủy đảng tập trung thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ổn định. Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư. Chú trọng đến “tự diễn biến” trong nội bộ, các địa phương có đông tín đồ tôn giáo, dân tộc, nhằm ổn định tình hình an ninh tư tưởng trong Đảng bộ và Nhân dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là việc triển khai thực hiện chuyên đề hằng năm của tỉnh. Đặc biệt, tổ chức triển khai, tuyên truyền sâu rộng về hai tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; trong đó, thí điểm sinh hoạt tổ đảng đối với các chi bộ có đông đảng viên và mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt”. Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kết quả, hằng năm có từ 96% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, vượt 3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo dừng thực hiện thí điểm mô hình hợp nhất Văn phòng Thị ủy Bình Minh với Văn phòng HĐND và UBND thị xã và thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu.

Công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 được quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên hằng năm, đúng theo quy định và hoàn thành đúng tiến độ đề ra, trong đó đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ và hệ số quy hoạch đúng quy định. Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh đến tháng 6-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 là 71 trường hợp.

Công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng và phân công cán bộ được các cấp ủy quan tâm thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện đúng quy định. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, qua kết quả kiểm tra, giám sát chưa phát hiện tổ chức, cá nhân liên quan đến các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn cụ thể hóa quy định, tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ.

Công tác rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng được thực hiện nghiêm túc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo rà soát đúng đối tượng, quy trình theo quy định, qua rà soát, cấp ủy có thẩm quyền đã xem xét đưa 14 trường hợp vào danh sách để chi bộ giáo dục, giúp đỡ. Bên cạnh đó, các cấp ủy quyết định xóa tên, cho ra khỏi Đảng 719 đảng viên.

Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tổ chức, bộ máy Ủy ban Kiểm tra ba cấp được kiện toàn đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cấp ủy viên và cán bộ làm công tác kiểm tra.

H. Hào

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/co-so-dang/vinh-long-nhung-ket-qua-noi-bat-qua-nua-nhiem-ky-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-19822