Vĩnh Long phải đi lên từ nội lực, phát huy các tiềm năng khác biệt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Vĩnh Long phát triển bằng nội lực, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, không trông chờ, ỷ lại.
Sáng 23/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024.
Phát triển bằng nội lực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch Vĩnh Long. Qua đó, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Thủ tướng nhận định, công tác quy hoạch rất quan trọng. Thông qua đó, phát hiện ra các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đưa ra được quan điểm, tầm nhìn mục tiêu phát triển trong tâm, đột phá phát triển, cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế.
“Tỉnh Vĩnh Long tiếp giáp với 7 tỉnh, bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu hiền hòa và trù phú, đây chính là điểm khác biệt mà chúng ta cần phải khai thác.
Về hạ tầng giao thông, chúng ta có hai tuyến cao tốc, có cầu Mỹ Thuận 1 và 2. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có tỉnh nào có hai cây cầu sừng sững như vậy. Đặc biệt là cầu Mỹ Thuận 2, chúng tôi đã phải vào 4, 5 lần để kiểm tra, vừa qua ngày 31/12/2023 cây cầu được khánh thành, việc này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi.
Ngoài ra, Vĩnh Long cách TP.HCM hơn 100km, cách Cần Thơ khoảng 30km. Đây là hai trung tâm kinh tế lớn của khu vùng. Như vậy, Vĩnh Long rõ ràng là cần phải phát triển dựa trên những thế mạnh này”, Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Không trông chờ, ỷ lại, thắng không kêu, bại không nản. Huy động sức mạnh, nguồn lực phấn đấu phát triển tỉnh toàn diện văn minh, hiện đại sinh thái bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng cũng lưu ý Vĩnh Long cần phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tăng cường chế biến sâu, thương mại điện tử, dịch vụ logictics, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, văn hóa xã hội. Đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tỉnh Vĩnh Long nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Khai thác tối đa nguồn lực bên trong bao gồm con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, chuyển di sản thành tài sản...
Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Vĩnh Long, Thủ tướng đề nghị "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện", có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được. Bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội.
Ba thành tựu nổi bật
Tại hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở ba lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch.
Với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đặc biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 1, 2 là những công trình quan trọng tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Nhất là thế mạnh trở thành một trung tâm logistics của vùng ĐBSCL trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Long, để phát huy những kết quả đạt được, định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là việc triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây cũng là cơ sở để Vĩnh Long thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó hướng đến mục tiêu là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng. Phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được một trục động lực, hai hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Lãnh đạo Vĩnh Long cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững tại địa phương.
Theo quy hoạch, Vĩnh Long đến năm 2030 là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng. Vĩnh Long đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 7,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 144 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%...