Vĩnh Long quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Phương án '3 tại chỗ' được nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhằm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với mục tiêu quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Kiểm tra khu vực bố trí bàn ăn trưa cho công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Xuân - Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Kiểm tra khu vực bố trí bàn ăn trưa cho công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Xuân - Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Tạo "vùng xanh" trong sản xuất

Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long đã vận hành tương đối hiệu quả phương án "3 tại chỗ". Ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi (huyện Long Hồ) cho biết, công ty hiện có 228/680 lao động tham gia "3 tại chỗ". Đến nay, qua hơn 20 ngày triển khai, công ty đã tạo được "vùng xanh" để duy trì sản xuất.

"Nguyên tắc hàng đầu của công ty là phải đảm bảo đầu vào âm tính với COVID-19. Cụ thể, công nhân sẽ được test sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung. Những nhóm nhân viên có khả năng lây nhiễm cao như có người nhà trong vùng dịch, công ty yêu cầu cách ly tại nhà", ông Lưu Quốc Tuấn chia sẻ.

Tại Công ty cổ phần bê tông 620 Châu Thới ở thị xã Bình Minh, ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cho hay, công ty có 320/700 lao động làm việc, ăn ở tại chỗ theo hình thức "khóa chặt" và duy trì thực hiện test nhanh định kỳ 3 ngày một lần theo quy định.

Tuy nhiên, người lao động sau khi cách ly làm việc 14 ngày tại công ty thì phần lớn sẽ xin về nhà. Do đó, công ty phải tính trước giải pháp "dự trữ" nguồn lao động để duy trì phương án "3 tại chỗ". Cụ thể, công ty phối hợp với địa phương tiếp tục vận động những lao động không nằm trong vùng dịch trở lại công ty làm việc. Trước khi bước vào thời gian vừa cách ly vừa sản xuất tại công ty, những lao động này được test nhanh với COVID-19 đúng theo quy định, sau đó từng bước hòa nhập sản xuất.

"Để đảm bảo sức khỏe và động viên tinh thần cho người lao động, công ty phục vụ miễn phí 3 bữa ăn/ngày và bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/ngày/công nhân. Nhờ sự đồng lòng ủng hộ của người lao động, kết quả 15 ngày thực hiện phương án "3 tại chỗ" với lực lượng lao động chưa đến 50% nhưng lượng sản xuất của công ty vẫn đạt 72%", ông Vũ chia sẻ thêm.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 45 doanh nghiệp hoạt động tại các khu, tuyến công nghiệp với gần 44.700 lao động; trong đó, có 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh đã chấp thuận cho 31 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 3.562 lao động và đã có 27 doanh nghiệp đi vào thực hiện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 9 doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp với 1.009 lao động được chấp thuận thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất.

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phạm Thành Khôn cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đều thực hiện phương án đúng theo quy định và đảm bảo các điều kiện về ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc … Cụ thể, 100% doanh nghiệp có lao động tham gia thực hiện phương án "3 tại chỗ" đều cung cấp suất ăn 3 bữa cho người lao động, cung cấp miễn phí các dụng cụ thiết yếu trong sinh hoạt. Ngoài chế độ lương và phúc lợi hợp đồng lao động, công nhân còn được phụ cấp thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày.

Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân

Theo ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, công ty rất đồng tình và ủng hộ với giải pháp tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ trong thời điểm này. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, công ty cũng đối mặt với những khó khăn cần sự hỗ trợ tháo gỡ.

Theo đó, việc yêu cầu test nhanh tất cả công nhân với tần suất 3 ngày/lần như hiện nay đang tạo gánh nặng lớn đối với đơn vị. Hiện công ty phải chi rất nhiều để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân. Về lâu dài, tỉnh nên xem xét và hướng dẫn cho công ty thành lập tổ y tế tại chỗ và tự thực hiện test nhanh COVID-19 cho công nhân của đơn vị và báo cáo với ngành chuyên môn.

Ngoài ra, ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng cũng cân nhắc xem xét giảm thuế, phí cũng như hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Ông Trần Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới cho biết, thực tế tại công ty đã xảy ra tình trạng người lao động tham gia cách ly sản xuất muốn được về địa phương để được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công ty phải bố trí xe đưa công nhân đi tiêm vaccine theo giấy mời của địa phương, sau đó quay trở lại công ty để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của số đông lao động còn lại.

Do đó, công ty kiến nghị tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, nhất là các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" để người lao động yên tâm làm việc và doanh nghiệp chủ động những phương án cho sản xuất trong thời gian tới.

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phạm Thành Khôn cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp gặp khó trong vận động công nhân ở lại doanh nghiệp làm việc do tâm lý người lao động hoang mang, lo sợ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh không đủ sức để tổ chức sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Nhiều doanh nghiệp lớn có số lượng công nhân đông chủ yếu chỉ duy trì bộ phận chính như: văn phòng, xuất hàng… chứ chưa sản xuất dây chuyền.

Mặt khác, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là các ca nhiễm bùng phát trong các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" ở một số tỉnh, thành cũng làm cho nhiều doanh nghiệp cân nhắc trong việc duy trì sản xuất. Do đó, tỉnh cần triển khai tiêm vaccine cho đối tượng lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia người nước ngoài, người lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ" để doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh việc ưu tiên tiêm vaccine, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho rằng, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc an toàn và có chế độ đãi ngộ phù hợp, từ đó người lao động an tâm làm việc trong điều kiện phải tập trung tại doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương về quản lý người lao động, nhất là việc cung cấp danh sách người lao động theo yêu cầu triệu tập của doanh nghiệp, danh sách lao động quay về địa phương khi doanh nghiệp ngừng hoạt động để bảo bảo công tác phòng, chống dịch.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, ưu tiên của tỉnh hiện nay là khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới để duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép".

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để khôi phục sản xuất; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện. Tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ" để họ yên tâm làm việc.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vinh-long-quyet-khong-de-dut-gay-chuoi-san-xuat-20210813191832326.htm