Vĩnh Phúc - bến đỗ thành công của doanh nghiệp Nhật Bản

Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; trình độ dân trí cao, lực lượng lao động dồi dào; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện…đã góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn và thành công của các nhà đầu tư nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Công ty Honda Việt Nam dự kiến nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô ở Vĩnh Phúc từ 23 nghìn xe lên 35 nghìn xe/năm

Công ty Honda Việt Nam dự kiến nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô ở Vĩnh Phúc từ 23 nghìn xe lên 35 nghìn xe/năm

Nhắc đến các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và thành công ở Vĩnh Phúc không thể không nhắc tới thương hiệu đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam đó là Công ty Honda Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Honda Nhật Bản.

Doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy. Đây cũng chính là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên chọn Vĩnh Phúc làm bến đỗ đầu tư ngay từ những ngày đầu Vĩnh Phúc được tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú cũ.

Khởi đầu năm 1998 với nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy có công suất 500 nghìn xe/năm, sau hơn 25 năm không ngừng nỗ lực, Honda Việt Nam đã mở rộng lên 3 nhà máy sản xuất xe máy công suất 2,5 triệu xe máy mỗi năm; một nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô công suất 23 nghìn xe/năm, dự kiến tăng lên 35 nghìn xe/năm trong thời gian tới.

Những kết quả trên đã đưa Honda Việt Nam thường xuyên lọt top đầu những doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả và nộp thuế hàng đầu Việt Nam; doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô, xe máy tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hơn 10 nghìn lao động.

Chỉ tính riêng trong năm tài chính 2022 (4/2021-3/2022) Honda Việt Nam đã đạt sản lượng bán hơn 2 triệu xe máy các loại, chiếm 80% thị phần xe máy cả nước; trên 24 nghìn xe ô tô các loại và giá trị xuất khẩu đạt trên 460 triệu USD.

Cũng giống như Honda, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Phúc, năm 2015 Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, tập đoàn hoạt động đa ngành trên quy mô toàn cầu với nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, khoáng sản, năng lượng, hóa chất, điện tử,…đã quyết định đầu tư KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản.

Trước đó, Tập đoàn Sumitomo đã triển khai KCN Thăng Long I vào năm 1997 tại Hà Nội, KCN Thăng Long II vào năm 2006 tại tỉnh Hưng Yên. KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc có tổng diện tích hơn 213ha tại xã Thiện Kế và xã Tam Hợp (Bình Xuyên). Tổng vốn đầu tư trên 135 triệu USD.

Tập trung thu hút các lĩnh vực công nghiệp không gây ô nhiễm, ưu tiên dự án công nghệ cao như sản xuất động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy; phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác…

Tính đến quý III/2021, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã có 9 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.200 lao động; 10 doanh nghiệp đang xây dựng, 6 doanh nghiệp chuẩn bị xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 445 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%.

Theo ông Hyroyoshi Masuoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc: Tập đoàn Sumitomo chọn Vĩnh Phúc để xây dựng hạ tầng KCN bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, gần sây bay, có hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn lao động dồi dào thì còn bởi lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư… giúp cho việc thực hiện dự án diễn ra thuận lợi.

Ngoài hai dự án trên trên, tính đến nay đã có gần 60 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang được thực hiện tại Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, đứng thứ 2 về các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng nhiều dự án đầu tư tại tỉnh.

Các dự án đầu tư của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo…giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động, đóng góp khoảng 70% thu ngân sách hằng năm của tỉnh.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam và Tập đoàn SOJITZ (Nhật Bản) về đầu tư Tổ hợp chế biến và chăn nuôi bò thịt Việt Nam-Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, mở ra cơ hội mới về hợp tác phát triển giữa Vĩnh Phúc với các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Được biết, để tiếp tục thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, tạo điểm nhấn xúc tiến đầu tư trong năm 2022, Vĩnh Phúc đang tích cực chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản” sẽ được tổ chức vào ngày 23/6/2022 tại thành phố Vĩnh Yên.

Hội nghị sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Dự kiến sẽ có gần 1.000 đại biểu, quan khách và trên 100 doanh nghiệp tham dự. Đây là sự kiện lớn có ý nghĩa rất quan trọng với Vĩnh Phúc.

Việc tổ chức thành công Hội nghị sẽ góp phần củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam-Nhật Bản nói chung, giữa Vĩnh Phúc với các địa phương của Nhật Bản nói riêng, đặc biệt là tỉnh Tochigi và Akita; quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư Nhật Bản đến Vĩnh Phúc ngày càng nhiều hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78768/vinh-phuc---ben-do-thanh-cong-cua-doanh-nghiep-nhat-ban.html