Vĩnh Phúc: Bố trí kinh phí giải quyết các vấn đề cấp bách do thiên tai

Để ổn định tình hình, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, các cấp, ngành, địa phương đang tập trung rà soát, thống kê lại thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định để ổn định sản xuất sau thiên tai...

Các lực lượng giúp đỡ người dân , phân phối đồ ăn, nước uống, thuốc, vật dụng thiết yếu. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Các lực lượng giúp đỡ người dân , phân phối đồ ăn, nước uống, thuốc, vật dụng thiết yếu. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Tại Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 2 người chết; 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa các loại, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho phân xưởng bị thiệt hại.

Bão số 3 và hoàn lưu bão cũng khiến 9.830ha lúa, gần 2.300 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 16.600 con gia cầm, gần 70 con trâu, bò, lợn và 537 con gia súc khác bị chết; 942 ha thủy sản bị thiệt hại, hơn 27.200 cây xanh, 234 cột điện bị gãy, đổ… Ước tính thiệt hại tại thời điểm thống kê hơn 177 tỷ đồng.

Ngay sau Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (sang 15/9), Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai qua thực tiễn ứng phó bão số 3 để chủ động hơn, làm tốt hơn trong thời gian tới nếu tiếp tục có mưa lũ, thiên tai xảy ra.

Tính đến 16h30 ngày 13/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận hơn 7 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

Về nhiệm vụ cụ thể, các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định để ổn định sản xuất sau thiên tai; rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, kịp thời xử lý ngay những sự cố, công trình, vị trí mất an toàn.

Hướng dẫn các địa phương khôi phục diện tích lúa, hoa màu, thủy sản còn khả năng thu hoạch, giảm thiểu thiệt hại; đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ. Đồng thời, đánh giá lại hiện trạng giao thông, đặc biệt là các cầu, cống bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để có phương án sửa chữa, khắc phục.

Tập trung khắc phục nhanh các tuyến đường trọng yếu bị hư hỏng (nếu có); khẩn trương sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng.

Tập trung chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục sớm cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.

Hướng dẫn các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đối với những gia đình có người bị mất, bị thương; rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ; đề xuất bố trí nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình khẩn cấp…

Đối với các huyện, thành phố, khẩn trương rà soát, tổng hợp, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính sử dụng linh hoạt và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với điều kiện của địa phương; đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/vinh-phuc-bo-tri-kinh-phi-giai-quyet-cac-van-de-cap-bach-do-thien-tai-34626.html