Vĩnh Phúc: Cần đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn huyện Yên Lạc

Việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng trên địa bàn huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) sẽ giúp huyện thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý đô thị, hành chính; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao thương phát triển kinh tế, văn minh đô thị…

Nhiều hoạt động, sự kiện lớn đã được tổ chức tại Quảng trường Văn hóa huyện Yên Lạc.

Nhiều hoạt động, sự kiện lớn đã được tổ chức tại Quảng trường Văn hóa huyện Yên Lạc.

Huyện Yên Lạc có 6 đơn vị đã được công nhận là đô thị loại V gồm các xã: Nguyệt Đức, Tam Hồng, Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên và thị trấn Yên Lạc. Trong năm 2022, huyện dự kiến sẽ hoàn thành việc quy hoạch chung đô thị xã Liên Châu và quy hoạch chung xây dựng tại 8 xã.

Hiện nay, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, dần trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều khu vực như xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên, Tam Hồng, Nguyệt Đức, Liên Châu, Yên Đồng và trung tâm khu vực chính trị - kinh tế - xã hội của các xã đã mang dáng dấp của đô thị, qua đó đã thu hẹp được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng ở huyện Yên Lạc là điều cần thiết.

Việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng ở huyện Yên Lạc là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, một số khu đô thị như: Khu nhà ở dịch vụ xã hội tại xã Đồng Văn, Khu đô thị Dragon - City; Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng đang được huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng; một số cụm công nghiệp như Cụm công nghiệp Tề Lỗ, Cụm công nghiệp Đồng Văn, Cụm công nghiệp Yên Đồng, Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đã hình thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên hiện nay, việc đặt tên đường, tên phố trên địa bàn huyện mới chỉ thực hiện ở một đơn vị hành chính là thị trấn Yên Lạc với 6 tên đường, 21 tên phố, 233 ngõ được đánh số, 84 ngách và gắn biển số nhà cho toàn bộ các hộ dân. Huyện cũng chưa có công trình công cộng nào được đặt tên danh nhân tiêu biểu để phát huy hết tinh thần đoàn kết, tình cảm sâu sắc và truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân trên địa bàn với danh nhân.

Việc đặt tên đường, phố và gắn số nhà tại thị trấn Yên Lạc không chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao thương phát triển kinh tế, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý đô thị, quản lý hành chính, góp phần tích cực vào tuyên truyền về lịch sử, giáo dục truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa trong mỗi cộng đồng địa phương.

Dự án Quảng trường văn hóa và trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Yên Lạc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư với quy mô diện tích 5,8ha và được khởi công từ năm 2021. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, trở thành nơi tổ chức các sự kiện lớn của huyện; đồng thời là kiến trúc không gian cảnh quan hài hòa, hiện đại, đáp ứng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

Từ hiệu quả thiết thực, tính nhân văn và sự cần thiết của việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng, huyện Yên Lạc đang đề xuất với UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và giao cho UBND huyện được tổ chức lập Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn theo Nghị quyết số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.

Đây là điều kiện để huyện thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý đô thị, quản lý hành chính; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao thương phát triển kinh tế, văn minh đô thị, cụ thể hóa việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng trên địa bàn sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền về lịch sử, giáo dục truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa trong mỗi cộng đồng dân cư.

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-can-dat-ten-duong-pho-va-cong-trinh-cong-cong-tren-dia-ban-huyen-yen-lac-328299.html