Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số toàn diện để bứt phá
Từ việc bắt đầu rồi tăng tốc với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh, chuyển đổi số tại Vĩnh Phúc đang có sự bứt phá mạnh mẽ.
Các nền tảng, công nghệ số cơ bản được ứng dụng ngày càng rộng rãi và dần trở thành “thói quen” đối với mỗi tổ chức và cá nhân. Thành quả của chuyển đổi số đã từng bước giúp người dân hài lòng và hạnh phúc hơn. Trên đà thuận lợi đó, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, ưu tiên lựa chọn những công việc trọng tâm, đột phá, tạo cơ sở, nền tảng chuyển đổi số nhanh, bền vững, đem lại những giá trị mới, tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhờ đó, tỷ trọng kinh tế số năm 2023 đã chiếm 21,6% GRDP của tỉnh; 100% cơ sở giáo dục, y tế của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số; hơn 70% người trưởng thành có tài khoản định danh điện tử; hơn 73% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh…
Thực hiện chủ trương, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số, UBND thành phố Vĩnh Yên đã ban hành "Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số thành phố Vĩnh Yên, giai đoạn 2021 - 2025", đề ra 12 mục tiêu, 17 nhiệm vụ cụ thể để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn tỉnhnăm 2022 được công bố, Vĩnh Yên là đơn vị dẫn đầu trong khối các huyện, thành phố; điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số - xã hội số một cách bền vững.
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật của thành phố cơ bản bảo đảm các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung; các phòng, ban, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính và sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm phục vụ công tác chuyên môn; các văn bản tài liệu cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng, bảo đảm được gửi, nhận, trao đổi kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi trong các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố và các xã, phường.
Trong năm 2023, tỷ lệ văn bản đến và đi của thành phố được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản, được ký số phát hành văn bản điện tử đạt 100%... 9/9 xã, phường của thành phố đã xây dựng thành công mô hình hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn thành phố ngày càng tăng; hết tháng 12/2023, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến của thành phố đạt trên 96%.
Tới thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND xã Thanh Trù, được cán bộ xã tận tình hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến, chị Nguyễn Thị Mai đã nhanh chóng hoàn thành các bước nộp hồ sơ. Chị Mai cho biết: Nộp hồ sơ trực tuyến rất tiện lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức đi lại. Ban đầu, tôi nghĩ làm thủ tục trực tuyến rất phức tạp, nhưng sau khi được cán bộ hướng dẫn mới thấy khá đơn giản và tiện lợi.
Là một trong những ngành chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, kết quả bước đầu đạt được trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Y tế đã đem lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành, Sở Y tế đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn; chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho công chức, viên chức, người lao động…
Các cơ sở y tế đã thực hiện số hóa quy trình khám chữa bệnh trên phần mềm HIS, hệ thống lấy số tự động… giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh. Một số cơ sở y tế đã ứng dụng Hệ thống trả kết quả xét nghiệm tự động LIS, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim (PACS) vào hoạt động không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi mà còn nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, 100% cơ sở y tế đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code, Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đặc biệt, phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh đang được triển khai tại 159 cơ sở y tế trên toàn tỉnh với hơn 746 nghìn sổ khám bệnh điện tử. Bên cạnh đó, ngành đã triển khai thành công bệnh án điện tử tại 3 cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch xác định các mục tiêu, giải pháp cụ thể và ưu tiên, bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2024 với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, trong đó tập trung triển khai Dự án hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; nâng cấp, hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung.
Triển khai hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ kết nối nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin…
Phấn đấu năm 2024, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp dưới dạng điện tử; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%...
Hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; đẩy mạnh tương tác trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số; xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đã để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử; chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước và các quốc gia trên thế giới...
Thu Thủy (Cổng Thông tin- Giao tiếp điện tử tỉnh Vinh Phúc)