Vĩnh Phúc chuyển trạng thái chống dịch để tập trung phát triển kinh tế
Dù dịch bệnh liên tiếp bủa vây và không ngừng có những diễn biến phức tạp, nhưng cả năm 2021 và thời điểm đầu năm 2022, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh có dấu hiệu tăng nhanh và lây lan trên diện rộng vì nhiều nguyên nhân. Trước tình hình này, Vĩnh Phúc đã kịp thời chuyển trạng thái chống dịch để vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Chuyển biến về tư duy, nhận thức và phương pháp chống dịch
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến lớn về nhận thức, tư duy, cách làm.
Cụ thể là thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ từ chủ trương “bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn”, Vĩnh Phúc đã ngay lập tức chuyển trạng thái sang “thích ứng, linh hoạt, kiểm soát an toàn dịch bệnh Covid-19". Trong đó, sớm thay thế các chốt của tỉnh trên tuyến giao thông ra vào tỉnh bằng các “chốt” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từng thôn, tổ dân phố và trong từng hộ gia đình, người dân.
Về công tác điều trị, tỉnh đã chủ động phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phân tầng. Đặc biệt là đã chủ động thử nghiệm, sau đó triển khai trên toàn tỉnh việc điều trị bệnh nhân ở tầng 1 tại nhà/nơi lưu trú (bệnh nhân không triệu chứng, thể nhẹ, đủ điều kiện theo quy định), không để tình trạng lúng túng trong triển khai thực hiện. Trong suy nghĩ và hành động luôn nhất quán quan điểm bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết và trước hết.
Đến nay, có hơn 80% số bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được triển khai điều trị tại nhà/nơi lưu trú. Qua báo cáo của Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, việc triển khai điều trị được chuẩn bị kỹ, đảm bảo đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Từ khi bắt đầu thí điểm đến nay, không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào điều trị tại nhà chuyển nặng, không có trường hợp bệnh nhân bị bỏ quên không được chăm sóc y tế.
Siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn, nhiều công nhân, lao động, tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung cao độ trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị chủ động ngăn chặn dịch bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm việc xét nghiệm cho công nhân trước khi vào làm việc, không để dịch lây lan rộng tại doanh nghiệp; đồng thời, tuyên truyền cho công nhân từ nơi làm việc trở về địa phương hạn chế tối đa hoặc tốt nhất là không được tiếp xúc với người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thường xuyên xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguy cơ lây nhiễm; có biện pháp theo dõi sát sao, nắm rõ nhân thân, lịch trình làm việc và di chuyển của người lao động để có hướng giải quyết kịp thời nếu có tình huống dịch bệnh phát sinh.
Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào không tuân thủ nghiêm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch, để phát sinh hậu quả nghiêm trọng hoặc tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng thì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể ngay lập tức yêu cầu đóng cửa, dừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và xã hội.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Cho rằng dù đối diện với nhiều thách thức do dịch bệnh gây ra, nhưng Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm khẳng định mình là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam. Để nhấn mạnh điều này, bên cạnh việc tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đặc biệt là nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn để tập trung phát triển kinh tế, tỉnh còn đề ra một số giải pháp vừa có tính thời điểm, vừa mang tính chiến lược, lâu dài.
Đó là tiếp tục triển khai, thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn dân tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đó, là ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; trong đó, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng, các dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.
Cùng với đó là thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Tỉnh cũng chú trọng vào nhiệm vụ chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính nhằm từng bước gỡ bỏ những rào cản về thủ tục không đáng có, từ đó tạo ra sự công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, trong điều kiện dịch bệnh còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng với sự chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch, Vĩnh Phúc tự tin dù tình huống nào có thể xảy ra trong thời gian tới cũng vẫn sẵn sàng thích ứng linh hoạt để đảm bảo cao nhất an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mặt KT-XH, hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.