Vĩnh Phúc: Giải 'bài toán' tìm địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 830 tấn/ngày. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, song việc tìm địa điểm đặt nhà máy là vấn đề còn nan giải.

Ô nhiễm môi trường do rác thải

Những ngày này, mỗi khi lưu thông qua đoạn đường từ chợ Quang Hà ra Tỉnh lộ 310, thuộc địa bàn thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân đều thấy khó chịu bởi mùi hôi bốc ra từ bãi rác tự phát ven đường. Đủ loại rác thải, từ thức ăn thừa, xác động vật đến đồ dùng sinh hoạt hỏng... chất thành đống kéo dài hàng chục mét. Ông Nguyễn Văn Thông là người dân địa phương, cho biết: “Bãi rác xuất hiện đã mấy tháng nay và ngày càng “phình ra”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khỏe của chúng tôi”. Theo đại diện UBND thị trấn Gia Khánh, sở dĩ có tình trạng trên là do bãi rác tập trung của địa phương bị quá tải nên đã ảnh hưởng đến việc thu gom rác thải trên địa bàn.

Thực trạng “rác lấn đường” không chỉ diễn ra ở thị trấn Gia Khánh mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc. Không khó để bắt gặp trên nhiều tuyến đường, nhất là ở địa bàn nông thôn những bãi rác tự phát vừa gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân, vừa làm xấu cảnh quan môi trường. Để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi còn bắt nguồn từ việc nhiều bãi rác tập trung ở các địa phương đã và đang quá tải nên việc thu gom, tập kết rác rất khó khăn.

 Một lò đốt rác tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: THANH HUYỀN.

Một lò đốt rác tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: THANH HUYỀN.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 200 bãi rác tập trung, nằm rải rác ở các xã nông thôn hoặc những nơi xa dân cư. Rác thải sau khi thu gom sẽ tập kết tại đây và được xử lý đơn giản bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Với lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều như hiện nay, trong khi các bãi rác tập trung rất khó mở rộng vì người dân phản đối thì việc quá tải chỉ là vấn đề thời gian...

Mấu chốt là tạo đồng thuận

Xử lý bằng cách chôn lấp, đốt ở các bãi rác tập trung rõ ràng không thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm rác thải. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho đầu tư, đưa vào vận hành các lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có 35 lò đốt, phân bố rải rác ở các xã, thị trấn. Tuy nhiên, hầu hết các lò đốt được đầu tư từ năm 2015 trở về trước, công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Hơn nữa, công suất hoạt động của các lò đốt này nhỏ, không xử lý hết lượng rác thải, đồng thời quá trình hoạt động cũng gây ô nhiễm môi trường vì phát sinh khói bụi.

Để giải quyết vấn đề rác thải một cách căn cơ, tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương xây dựng các nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một vấn đề nan giải, đó là rất khó tìm địa điểm để đặt nhà máy vì không nhận được sự đồng thuận của người dân. Thực tế có tình trạng, cứ nghe tin nhà máy xử lý rác thải đặt tại địa phương là người dân lại tập trung phản đối. Bởi vậy, các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đều triển khai chậm tiến độ, quy mô cũng phải thu hẹp hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý rác thải.

Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên là một ví dụ điển hình. Khởi động từ năm 2009 nhưng do người dân quyết liệt phản đối nên dự án liên tục phải thay đổi địa điểm và cuối cùng phải tạm dừng. Giai đoạn 2015-2020, trước yêu cầu bức thiết trong xử lý rác thải, tỉnh Vĩnh Phúc đã tái khởi động dự án và quyết định xây dựng nhà máy với quy mô cấp tỉnh (xử lý rác cho toàn tỉnh) tại khu vực núi thuộc xã Trung Mỹ. Tuy vậy, khi biết thông tin nhà máy xử lý rác sẽ được xây dựng trên địa bàn, người dân đã phản đối quyết liệt. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung...

Trao đổi với ông Nguyễn Bá Hiến, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được biết, trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phải xem xét điều chỉnh quy mô đầu tư các nhà máy xử lý rác từ cấp tỉnh xuống cấp huyện (xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện). Theo đó, các huyện chủ động tìm địa điểm, khi có địa điểm sẽ triển khai xây dựng nhà máy ngay. Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ phấn đấu triển khai xây dựng 3 nhà máy xử lý rác ở các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần khẳng định quan điểm phát triển kinh tế-xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với quy mô lớn, công nghệ hiện đại là yêu cầu bức thiết của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Muốn vậy, trước hết việc khảo sát, quy hoạch, chọn địa điểm xây dựng nhà máy phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, dân chủ, khoa học. Nhà máy xử lý rác thải phải được thiết kế, đầu tư với công nghệ hiện đại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, không để ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ trách nhiệm công dân, biết đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình gây rối, xúi giục cản trở, phá hoại việc xây dựng các nhà máy xử lý rác trên địa bàn.

TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/vinh-phuc-giai-bai-toan-tim-dia-diem-xay-dung-nha-may-xu-ly-rac-635804