Vĩnh Phúc: Gỡ khó khăn trong cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh
Trước thực trạng nguồn cung ứng điện bị thiếu hụt ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc ưu tiên cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp là giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao.
Ưu tiên cung ứng điện phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện tháng 6/2023 vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trước tình cảnh thiếu điện. Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bày tỏ mong muốn nhận được sự sẻ chia của các doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn điện bị thiếu hụt.
Trước đề xuất cần có đủ điện cho hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, phương án cấp điện phù hợp, đảm bảo phục vụ sản xuất công nghiệp hiệu quả.
“Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng cắt điện mà không thông báo tới khách hàng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm điện, ưu tiên cấp điện ổn định cho sản xuất.” – ông Vũ Chí Giang chia sẻ.
Được biết, căn cứ vào mức phân bổ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc từ ngày 4 - 11/6 và từ ngày 12 - 25/6, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã xây dựng các phương án tiết giảm phụ tải cho từng nhóm để bảo đảm ảnh hưởng ít nhất đến khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể việc thực hiện tiết giảm, theo mức phân bổ công suất từ ngày 4 - 11/6 với công suất được phân bổ từ 418 - 527MW, công suất được phân bổ các mức khác nhau theo chu kỳ 30 phút trong 24 giờ Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phải tiết giảm từ 5 - 36% tổng công suất sử dụng, tiết giảm lớn vào giờ cao điểm từ 12 - 14 giờ chiều và tối từ 22 - 24 giờ.
Từ ngày 12 - 25/6, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã ưu tiên phần công suất tăng thêm cho các khu công nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và kiến nghị của doanh nghiệp.
Vừa qua, do thời tiết có mưa, nền nhiệt giảm nên nhu cầu sử dụng công suất của phụ tải sinh hoạt giảm và nguồn điện có cải thiện hơn, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cũng đã cho thông báo toàn bộ khách hàng khu công nghiệp được sử dụng 100% công suất, thời gian 24/24 giờ từ ngày 14 - 18/6.
Từ ngày 19 - 25/6, Công ty dự kiến thực hiện phương án tiết giảm phụ tải. Cụ thể, đối với các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp gồm: Khai Quang, Bá Thiện, Bá Thiện 2, Bình Xuyên, Bình Xuyên 2, Thăng Long 3 được sử dụng 100% công suất từ 2 - 18h, tăng thêm 6 giờ sử dụng điện so với phân bổ cũ; trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ ngày hôm sau chỉ tiết giảm 80%, còn 20% công suất để duy trì máy móc và các thiết bị cần thiết.
Khách hàng sản xuất vật liệu xây dựng và sắt thép có tổng công suất 106 MW được sử dụng 100% từ 17 giờ ngày hôm trước đến 7 giờ ngày hôm sau, còn lại từ 7 giờ đến 24 giờ tiết giảm 100%.
Đối với các khách hàng sắt khu vực huyện Yên Lạc, giữ nguyên tiết giảm như phân bổ cũ, không được bổ sung. Sau ngày 25/6, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sẽ căn cứ vào mức phân bổ công suất từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tình hình thời tiết để tính toán lập phương án tiết giảm. Trong đó, sẽ tính đến ưu tiên tối đa cấp điện cho các khu công nghiệp với thời gian thông báo sớm nhất có thể.
Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch “méo mặt”
Hơn một tháng nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Tam Đảo lâm vào tình cảnh “méo mặt” vì thiếu điện, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sáng 17/6 trao đổi với PV báo kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nấm Tam Đảo cho biết, mùa hè cũng là thời điểm “gặt hái”, nhưng do mất điện có khi cả ngày mà khu du lịch Tam Đảo trở nên đìu hiu thưa thớt du khách hơn so với trước kia.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ “méo mặt”, chấp nhận mua máy phát điện về cầm cự giữ khách, nhưng ngoài phí nhiên liệu cao không trụ nổi, thì chất lượng dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, mùi khói bụi do động cơ máy phát điện thải ra… khiến du khách nếm trải những trải nghiệm về một kì nghỉ không như mong đợi.
“Hợp tác xã Nấm Tam Đảo cũng chung tình cảnh khó khăn do mất điện. Để duy trì hoạt động chúng tôi phải đầu tư máy phát điện công suất 75kWh nhưng chi phí nhiên liệu “chát quá”, mỗi ngày tốn khoảng 100 lít dầu khoảng 2 triệu đồng, chưa kể đến các chi phí khác. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng ảnh hưởng, nếu không có điện hoặc điện chập chờn, chỉ chừng 5 mười phút không xử lý kịp thời có khi nấm (đông trùng hạ thảo) của hợp tác xã chúng tôi đã héo kh, thậm chí chết sạch.” – ông Nguyễn Quốc Huy cho biết.
Mất điện đang khiến nỗi lo du khách “một đi không trở lại” thành thường trực đối với nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nghỉ dưỡng, homestay… tại Khu du lịch Tam Đảo.
Các hoạt động chăm sóc cho cây cối, cảnh quan làm đẹp cho không gian nghỉ dưỡng phải được duy trì thường xuyên. Nhưng do mất điện nên cỏ cây nhiều nơi không được tưới nước chăm sóc đúng kỹ thuật (nhất là các khu nghỉ dưỡng, hay sân golf) nên khô héo và chết dần, khiến cảnh quan trở nên xấu xí không thu hút được khách.
"Lại thêm tiện nghi sinh hoạt không được đảm bảo trong trạng thái tốt nhất (nhiều khi không sử dụng được máy lạnh, máy điều hòa) khiến du khách rất “hãi hùng” khi đi nghỉ dưỡng mà phải đối mặt với không khí nóng bức ngột ngạt, ồn ào, ầm ĩ, không khí ô nhiễm, cảnh quan xấu xí... nên họ không trở lại nữa” – anh Thành, chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tại thị trấn Tam Đảo tâm sự.
Khó khăn trong nguồn cung ứng điện đã khiến mọi hoạt động trong cả nước đều bị ảnh hưởng, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp cũng như dịch vụ du lịch, đều ảnh hưởng nặng nề. Trước khó khăn này, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bày tỏ mong muốn người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thấu hiểu, và chia sẻ cùng cơ quan chức năng, từng bước có phương án tháo gỡ, khắc phục.