Vĩnh Phúc: hàng loạt sự cố xảy ra đe dọa an toàn các tuyến đê

Trước thực trạng mực nước trên sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy… dâng cao, nguy cơ mất an toàn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc (PCTT&TKCN) đề nghị các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tích cực ứng phó đảm bảo an toàn các tuyến đê.

Khoảng 7h 30 sáng 11/9 sự cố bục cánh cống Cầu Triệu khiến nước sông Phó Đáy đã tràn vào trong đê gây ảnh hưởng đến các thôn Làng Bèo, Hùng Sơn và Lam Sơn của xã Triệu Đề. Ảnh Lương Giang.

Khoảng 7h 30 sáng 11/9 sự cố bục cánh cống Cầu Triệu khiến nước sông Phó Đáy đã tràn vào trong đê gây ảnh hưởng đến các thôn Làng Bèo, Hùng Sơn và Lam Sơn của xã Triệu Đề. Ảnh Lương Giang.

Cấm ô tô lưu thông trên đê tả, đê hữu sông Phó Đáy và đê tả sông Lô

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ chiều tối 6/9 đến 11/9 tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa to và dông, kèm theo gió bão.

Mực nước trên các sông tính đến 16 giờ ngày 11/9 dâng cao, trong đó: sông Hồng 14,55m, trên báo động 2 là 0,15m; sông Lô 15,84m, trên báo động 1 là 0,84m; sông Phó Đáy 16,61m, trên báo động 3 là 0,61m. Mực nước có khả năng dâng cao do các hồ thủy điện từ thượng nguồn điều tiết nước, xả đáy và xả mặt.

Mực nước trên các sông dâng cao khiến nhiều khu cư dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị nước bao vây cô lập. Ảnh Lương Giang.

Mực nước trên các sông dâng cao khiến nhiều khu cư dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị nước bao vây cô lập. Ảnh Lương Giang.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các lệnhbáo động tùy theo từng cấp độ nguy hiểm đối với các sông trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có các tuyến đê tập trung ứng phó với mưa lũ để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Từ 19 giờ ngày 11/9, để đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mưa lũ phức tạp đe dọa an toàn của nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương đã có thông báo cấm ô tô lưu thông trên đê tả sông Phó Đáy, hữu sông Phó Đáy và đê tả sông Lô cho đến khi có thông báo cho phép lưu thông.

Hàng loạt sự cố xảy ra đe dọa an toàn các tuyến đê

Sáng 12/9, trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, lãnh đạo UBND xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên cho biết, từ ngày 11/9 đê sông Cà Lồ qua địa bàn thành phố Phúc Yên nước dâng cao, thân đê xuất hiện một mạch sủi (thuộc địa bàn xã Cao Minh) và một số đoạn đê trũng thấp (địa bàn xã Nam Viêm) nước tràn bờ.

“Suốt đêm 11/9 các lực lượng chức năng trên địa bàn đã khẩn trương triển khai phương án cứu hộ, huy động người và phương tiện tiến hành xử lý mạch sủi, ngăn không cho lan rộng, đồng thời tiến hành đắp gia cố các đoạn mặt đê trũng ngăn nước tràn.

Đến sáng 12/9, các sự cố trên đã trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên mực nước sông Cà Lồ vẫn còn rất cao, có nơi cách mặt đê chỉ chừng 35cm. Các lực lượng chức năng vẫn tích cực theo dõi thường xuyên, nhằm sớm phát hiện sự cố và xử lý ngay từ đầu” – ông Nguyễn Mạnh Khuê, Bí thư Đảng ủy xã Cao Minh nói.

Các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện xử lý sớm các sự cố phát sinh đe dọa an toàn thân đê sông Cà Lồ. Ảnh: Lương Giang.

Các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện xử lý sớm các sự cố phát sinh đe dọa an toàn thân đê sông Cà Lồ. Ảnh: Lương Giang.

Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Sông Lô cho biết, tại một số tuyến đê sông Lô trên địa bàn huyện cũng xảy ra sự cố, và đang được các lực lượng chức năng xử lý.

Cụ thể, sáng 11/9 đê bối thuộc xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô xảy ra sự cố nước tràn. UBND xã Đôn Nhân đã huy động lực lượng và nhân dân trong xã sử dụng bao tải chứa đất tập trung đắp đê, nâng cao mặt đê lên khoảng 1m. Tuy nhiên, do lực nước mạnh, nên hiện nay, một đoạn đê bối tiếp tục bị tràn.

Tại đê tả khu vực xã Như Thụy và Yên Thạch, nước dâng cao, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Sông Lô đã chỉ đạo UBND các xã Như Thụy và Yên Thạch huy động nhân dân và các xã lân cận đắp các khu vực chống tràn. Hiện tại mực nước cách mép đê chỗ thấp nhất khoảng 50-60cm.

Khu vực xã Tứ Yên có 1 điểm phát hiện ổ sủi, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Sông Lô đã chỉ đạo xã Tứ Yên và các xã lân cận phối hợp, xử lý kịp thời.

Tin từ lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch cũng cho biết, khoảng 7 giờ sáng 11/9, cống Cầu Triệu nằm trên hệ thống đê hữu sông Phó Đáy (địa phận xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch) bị bục cánh cống do nước sông Phó Đáy dâng cao.

“Sự cố khiến nước sông Phó Đáy tràn vào trong đê gây ảnh hưởng đến các thôn Làng Bèo, Hùng Sơn và Lam Sơn của xã Triệu Đề. Đây là tuyến đê cấp 3 có chiều dài 16km, cống Cầu Triệu là một trong 3 cống tiêu lớn (trong tổng cộng 15 cống tiêu) của tuyến đê hữu sông Phó Đáy” – ông Hoàng Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Lập Thạch đã báo cáo với lãnh đạo cấp trên, tổ chức ứng trực và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để khắc phục, ngăn cho nước không tràn vào.

“Ngay sau khi phát hiện sự cố, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các ban ngành đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý. Đến sáng 12/9 với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, sự cố bục cánh cống Cầu Triệu – đê hữu sông Phó Đáy đã cơ bản được khắc phục, các lực lượng chức năng vẫn duy trì túc trực theo dõi, kiểm soát” – ông Hoàng Long Biên nói.

Các lực lượng chức năng huy động người và phương tiện triển khai khắc phục sự cố bục cánh cống Cầu Triệu - đê hữu sông Phó Đáy. Ảnh: Lương Giang.

Các lực lượng chức năng huy động người và phương tiện triển khai khắc phục sự cố bục cánh cống Cầu Triệu - đê hữu sông Phó Đáy. Ảnh: Lương Giang.

Hiện tại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện tổ chức lực lượng thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, bão.

Phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều. Đồng thời, thông báo cho Nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-hang-loat-su-co-xay-ra-de-doa-an-toan-cac-tuyen-de.html