Vĩnh Phúc hướng tới thu 2.600 tỷ từ 'ngành công nghiệp không khói'

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút 50 ngàn lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa với doanh thu 2.600 tỷ đồng vào năm 2020.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Trao đổi với PV Tiền phong, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho biết, để phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 41- CTr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 du lịch Vĩnh Phúc thu hút 50 ngành lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa với doanh thu đạt 125 triệu USD, tương đương 2.600 tỷ VNĐ, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính.

Giải pháp đầu tiên được tỉnh nhấn mạnh là đổi mới nhận thức tư duy về phát triển du lịch: nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch: Tích cực tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể nhân dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch. Xác định du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, mang tính xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng phát triển ngành công nghiệp không khói.

Cùng với đó là, cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế: Đổi mới tư duy, phát triển du lich theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Trước mắt, mục tiêu thị trường khách du lịch quốc tế từ các nước khu vực châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và các nước trong khối ASEAN, khách du lịch nội địa từ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ, vùng núi phía bắc. Tập trung phát triển các tour du lịch, khu, điểm du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Vĩnh Thịnh.... Đồng thời kêu gọi đầu tư các khu, điểm du lịch theo hướng xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng.

Một giải pháp nữa được tỉnh đề ra là tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó sẽ ban hành các chính sách khuyến khúc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn kinh tế trọng điểm, vùng có tiềm năng du lịch đặc thù. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức. Có chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch cộng đồng để thu hút sự tham gia của người dân và các hộ kinh doanh gia đình.

Cùng với đó là triển khai quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vất chất kỹ thuật ngành du lịch. Về cơ sở hạ tầng, sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, viễn thông, hạ tầng điện, nước, đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Về cơ sở vật chất kỹ thuật, sẽ thu hút đầu tư các thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong và ngoài nước. Khuyến khích các cơ sở lưu trú nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng quy trình phục vụ đạt chất lượng tương đương 3 sao trở lên.

Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, thông qua các hoạt động đa dạng như: hội chợ du lịch trong và ngoài nước, xuất bản ẩn phẩm du lịch, thông qua website quảng bá du lịch, kết hợp xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư…

Tỉnh cũng chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh và hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng minh bạch, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch sẽ là giải pháp quan trọng được tỉnh đề ra. Trên cơ sở đó, sẽ từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp đội ngũ quản lý nhà nước và đội ngũ lao động ngành du lịch. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đội ngũ quản lý ngành du lịch.

Giải pháp thứ tám là tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên cơ sở kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng. Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo tỉnh về phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hệ thống khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành…hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tạo sự khác biệt, tính cạnh tranh cao

Theo Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2019, tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Đại Lải - Khu B, dự án Trung tâm thương mại Vĩnh Yên giai đoạn 2, khu tổ hợp dịch vụ cao cấp tại tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và dự án ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Thủ Đô - Bắc Đầm Vạc…

Theo Sở VHTT&DL, hiện nay, du lịch Vĩnh Phúc phần nào khẳng định được thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golf và du lịch tâm linh, phát huy tốt các lợi thế về địa lý, kinh tế, tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng như: Vườn Quốc gia Tam Đảo; khu nghi mát Tam Đảo, quần thể Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc; hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; các giá trị văn hóa phi vật thể... Du lịch Vĩnh Phúc từng bước xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.

Thực tế cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15% - 20%, đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch.

Để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng để Vĩnh Phúc trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước.

Đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực. Tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GDP của tỉnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vào năm 2020. Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, gắn với việc xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc.

Hiện Vĩnh Phúc đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các Khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn với giá trị đầu tư cam kết của nhà các nhà đầu tư như: Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường với số vốn cam kết 1,1 tỷ USD; Dự án trường đua ngựa quốc tế với quy mô vốn đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD (của Tập đoàn Gomax I&D Hàn Quốc)…đây là các dự án sẽ có tác động mạnh mẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/vinh-phuc-huong-toi-thu-2600-ty-tu-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-1487699.tpo