Vĩnh Phúc: Huyện Bình Xuyên chú trọng phát triển công nghiệp
Xác định phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, những năm qua, huyện Bình Xuyên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện các giải pháp thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Một trong những giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp được huyện ưu tiên hàng đầu là công tác lập quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp để tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đón các nhà đầu tư đến với Bình Xuyên.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn lập quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Xuyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn, khu đất ở giãn dân, tái định cư, đất đấu giá quyền sử dụng đất, các khu đất chức năng, các khu cụm công nghiệp, làng nghề. Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư và tạo công ăn việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Đi đôi với công tác quy hoạch, Bình Xuyên ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông, kết nối thuận tiện giữa các địa phương với các khu, cụm công nghiệp và giữa các nhà máy, các khu công nghiệp. Tại tất cả các trục đường đều lắp đặt hệ thống điện cao áp; các trạm biến áp được bố trí hài hòa bảo đảm đáp ứng đủ điện 24/24 cho sản xuất và luôn thắp sáng khi đêm về phục vụ công nhân đi lại an toàn sau giờ tan ca.
Với những bước đi bài bản, vững chắc trong phát triển công nghiệp, nhất là tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, những năm qua, Bình Xuyên luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh cả về số khu công nghiệp lẫn số dự án đầu tư, nhất là dự án FDI. Hiện toàn huyện có 7 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô gần 1.900ha. Trong đó, có 6 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm: Khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II, Bá Thiện II, Sơn Lôi và khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án hạ tầng trên 3.250 tỷ đồng và gần 160 triệu USD.
Tại các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, cáp quang… được tỉnh đầu tư đến chân hàng rào, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhờ vậy, dòng vốn đầu tư FDI, DDI chảy vào các khu công nghiệp ở Bình Xuyên liên tục tăng.
Tính đến nay, toàn huyện có 304 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; 43 dự án DDI, tổng vốn đăng ký khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2020 thu hút được 815 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 188 triệu USD; 1 dự án DDI, tổng vốn đăng ký gần 144 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng đều theo từng năm, trong đó, 2 khu công nghiệp là Bình Xuyên II và Bá Thiện II giai đoạn I đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, tạo thêm nền tảng vững chắc để Bình Xuyên sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.
Không chỉ quan tâm phát triển công nghiệp, Bình Xuyên còn chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại dịch vụ. Cùng với duy trì, phát triển làng nghề mộc Thanh Lãng và gốm Hương Canh truyền thống, những năm qua, huyện tăng cường đầu tư, hỗ trợ các làng nghề phát triển các mẫu mã mới, mở rộng thị trường tiêu thụ; triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thanh Lãng.
Đồng thời, hoàn thành lập quy hoạch giới thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu phát triển kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; giới thiệu địa điểm bến xe khách tại xã Quất Lưu với diện tích 15.000m2; quy hoạch phát triển các khu đô thị nhà ở, khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực triển khai cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch thêm 3 chợ tại 3 xã, thị trấn: Thiện Kế, Phú Xuân, Bá Hiến. Đến nay, toàn huyện có 806 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 8/13 chợ nông thôn mới; 4 trung tâm thương mại, siêu thị; trên 8.200 hộ kinh doanh cá thể; 695 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng nghìn cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phân bổ tại các xã, thị trấn.
Đặc biệt, với việc đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án trung tâm Logistics ICD do Liên danh Tập đoàn T&T - YCH Group - YCH Holdings đầu tư xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi. Cảng cạn này được xây dựng, đưa vào hoạt động không chỉ tạo điểm nhấn cho đô thị Bình Xuyên trong tương lại mà sẽ đặt nền móng vững chắc, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, các tỉnh trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai nói chung.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cũng như phát tiểu tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã tạo đà cho kinh tế - xã hội Bình Xuyên phát triển nhanh chóng theo từng năm. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2015 đạt 31.607 tỷ đồng, tăng lên 72.686 tỷ đồng năm 2018 và hơn 121.095 tỷ đồng năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng đạt 114.763 tỷ đồng; ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 1.700 tỷ đồng; ngành dịch vụ đạt trên 4.630 tỷ đồng. Công nghiệp - xây dựng đã vươn lên trở thành ngành kinh tế chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở địa phương. Hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 95%, vượt hơn 5,2% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn 1,1%
Để xứng tâm thị xã Bình Xuyên, thời gian qua, huyện cũng tập trung phát triển hạ tầng đô thị. Hầu hết hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo đô thị của huyện theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh.
Điểm nổi bật của Bình Xuyên trong những năm qua, huyện đã dành hàng nghìn tỷ đồng để xây mới cầu Lò Cang, mở rộng cầu Quảng Khai và nhiều tuyến đường trọng điểm như tuyến đường từ đường tỉnh 305B đi đường huyện 32 theo quy hoạch phân khu C1 và công viên cây xanh hồ sinh thái; đầu tư, sửa chữa, lắp đặt một số cột điện chiếu sáng tuyến đường tỉnh 305 và lắp đặt hệ thống điện trang tí trục đường tỉnh 305, 302, 301B và đường huyện 32B; khởi công xây dựng công trình, lát vỉa hè, trồng cây xanh lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tuyến đường ven sông Cánh – thị trấn Hương Canh. Cùng với đó, đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 98 công trình trường học. Đến nay, toàn huyện có 995 phòng học kiên cố, tăng 184 phòng; 176 phòng học chức năng, tăng 126 phòng so với năm 2015; 52/52 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 15 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Thế và lực vững chắc sẽ giúp Bình Xuyên có bước đi dài hơn trong tương lai, xứng tầm huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh.